Học, làm việc và sống chung với bạn bè nước ngoài đã giúp tôi hiểu những cách nghĩ rất hay của họ về nhiều vấn đề, trong đó có chuyện làm thêm vào dịp hè.
“Bố mẹ cho tiền học phí là đã quá tốt rồi!”
Cô bạn chia nhà người Rumani của tôi là điển hình của một sinh viên ham làm thêm. Vì gia đình chỉ chu cấp tiền học nên Raluca phải tự túc tiền sinh hoạt phí. Để có thể sống sót ở The Hague, cô nàng xin làm bartender trong một quán bar kiểu Anh. Trong năm học, công việc này đòi hỏi Raluca phải có mặt ở quán mỗi đêm và chỉ được đạp xe về nhà khoảng 2 giờ sáng, để rồi 6 tiếng sau đó đã phải có mặt cho tiết học đầu lúc 8 giờ ở trường. Cô nàng thậm chí còn không có week-end vì sáng chủ nhật là thời điểm có nhiều suất chiếu trực tiếp rugby, là lúc quán đông khách nhất. Đã hơn một lần Raluca gọi tôi lại để hỏi xem lớp phấn trang điểm có che được đôi mắt cú vọ thiếu ngủ của bạn không.
Để tiết kiệm, cô nàng chi li cho chuyện ăn uống của mình đến mức chỉ đi siêu thị khi đã liệt kê những thứ thực sự cần mua vào một tờ giấy – để không phải rơi vào hoàn cảnh cao hứng mà mua những thứ ngoài kế hoạch. Một lần hỏi tại sao cô nàng không xin bố mẹ thêm một khoảng nhiều hơn tí xíu, để đỡ phải vất vả làm thêm, Raluca nói với tôi rằng “Việc bố mẹ cho tớ vài ngàn euros để đóng học phí là đã đủ để tớ mang ơn họ nhiều rồi. Sinh hoạt phí là trách nhiệm của tớ”. Vậy mà cô bạn tôi vẫn luôn đứng đầu lớp và không hề vắng mặt trong những buổi tham quan thực tế ở tòa án công lý, dù đó thường là những buổi học bắt đầu từ rất sớm. Hè chính là dịp Raluca tập trung toàn bộ sức lực và thời gian để đi làm thêm, để có thể tự lo được khoản tiền nhà cho cả năm học kế tiếp bằng việc làm thêm toàn thời gian trong suốt 2 tháng hè.
“Gia đình không phải là cái ngân hàng”
Đồng quan điểm với Raluca là một anh bạn người Pháp mà tôi cũng có dịp chia nhà chung. Đến từ một đại gia đình, áo quần của anh chàng không cái nào dưới 100 euros, nhưng đã hơn một lần tôi thấy anh ta ăn mì ống với nước sốt cà chua. Đó là những ngày cuối tháng lỡ tiêu hết “tiêu chuẩn” trợ cấp mỗi tháng. Nếu có một tháng nào đó muốn mua một cái đĩa phim, lỡ ăn tối ở một nhà hàng đắt đỏ hơn so với túi tiền sinh viên, anh chàng sẽ “cắn răng” ăn mì ống thay vì ngửa tay xin bố, dù bố anh ta là bác sĩ nổi tiếng thế giới mà chỉ cần gõ tên lên google là sẽ xuất hiện cả một trang wikipedia mang tên ông. Là “cậu ấm”, nhưng bạn tôi cũng đã có những mùa hè đi làm phụ việc cho một người làm nghề khuân cửa kiếng. Có thời gian, bạn còn đi làm công nhân để kiếm thêm một khoản tiết kiệm riêng, để có thể tự túc một chuyến du lịch hay mua một món đồ riêng cho bản thân.
“Nếu muốn học thạc sĩ thì phải hi sinh mùa hè, và vài năm tuổi trẻ!”
Tôi cũng kết thân với một cặp đôi đến từ Slovakia, một quốc gia bé nhỏ ở châu Âu nơi mà tất cả những người trẻ đều tìm đường sang những quốc gia phát triển lân cận để học tập, kiếm việc làm. Vì không có tiền nên anh bạn trai quyết định học những chương trình ngắn hạn để kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi cả cô bạn gái. Ngành học của anh là đầu bếp nên việc xin vào làm thêm ở các nhà hàng không quá khó khăn, nhưng cô bạn gái thì chẳng có nhiều thời gian để đi làm thêm trong năm học. Thế nên, cứ vào dịp hè, họ lại cùng nhau đến vùng Aquitaine của Pháp để làm việc trong một nhà hàng quen. Họ đã phải sống qua những ngày ngủ trong xe caravan (xe có trang bị chỗ ngủ) và chấp nhận làm đến 12 tiếng mỗi ngày, thậm chí có những ngày liền họ không nói chuyện được với nhau vì làm trái ca, về đến xe là người kia đã ngủ.
Sau chương trình cử nhân của cô bạn gái, họ tiếp tục nghĩ đến chuyện đi Úc để kiếm việc làm – “bất kể là rửa chén, bưng bê, chạy bàn hay bán hàng, bọn tớ đều có thể làm” rồi mới tính tới chuyện học lên thạc sĩ. Bạn tôi nói: “vì chi phí học thạc sĩ quá cao, mà gia đình thì không thể hỗ trợ đồng nào nên phải dùng đôi tay mình để kiếm tiền thôi”.
“Làm thêm là công việc không dài lâu, thì phải làm cho tốt”
Và dù họ đến từ những gia đình khác nhau, có những điều kiện sống khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất mà tôi học được từ chính họ đó là thái độ tích cực với việc làm thêm. Xác định đây là những công việc “sẽ không gắn bó dài lâu” nên họ sẵn sàng trải qua những mùa hè làm việc 6/7 ngày, thậm chí 7/7, và cố gắng rút ra những mặt tích cực của trải nghiệm này. Cô bạn du học sinh đã từng phát biểu “đi thực tập/làm thêm cũng như đi tập thể dục thẩm mỹ” cũng có cùng suy nghĩ đó.
Và bạn, mùa hè này bạn có ý định đi làm thêm không? Và nếu có thì đó sẽ là công việc gì?