Học bổng không dành cho tất cả mọi người và không phải ai cũng đủ điều kiện tài chính cho phép để trang trải toàn bộ chi phí du học. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên vay tiền để đi du học?
Tại sao lại nên?
Du học không chỉ là cơ hội được học tập trong môi trường tiên tiến, hiện đại mà còn là cánh cửa mở ra những chân trời kiến thức cởi mở nhất. Một số ngành thậm chí còn không được đào tạo bài bản ở trong nước (công nghệ mới, kỹ thuật máy tính, truyền thông liên văn hóa, toàn cầu hóa…). Hơn nữa, đi học ở nước ngoài, bạn sẽ không chỉ học chữ mà còn được học về phương pháp nghiên cứu, cách thức tư duy, phân tích vấn đề sao cho khoa học và hiệu quả nhất hay đơn giản chỉ để có cơ hội phát triển khả năng ngoại ngữ của mình. Môi trường học tập năng động, nhiều đầu sách tham khảo uy tín và những mối quan hệ bình đẳng với giáo sư cũng là các ưu điểm lớn của việc đi du học.
Những ai đã từng đi làm có lẽ biết rõ, rằng du học còn là một nấc thang quan trọng cho sự nghiệp của họ, góp phần rất lớn cho việc thăng quan tiến chức, đề bạt lương bổng sau này. Du học vì thế có thể xem là một sự đầu tư nhìn xa trông rộng cho sự nghiệp mỗi người. Với sự chênh lệch đáng kể về tỷ giá cùng chính sách cởi mở của nhiều chính phủ về thị thực làm việc cho sinh viên quốc tế, nhiều du học sinh đã hoàn toàn có thể “hoàn vốn” bằng cách đầu quân vào các công ty nước ngoài sau khi tốt nghiệp hoặc về nước khởi nghiệp. Tuy nhiên, viễn cảnh lý tưởng này không đến với tất cả mọi người vì không phải ai cũng thành công trong môi trường giáo dục, làm việc quốc tế.
Tại sao lại không nên?
Trước tiên hãy nói về phương án trả nợ. Bạn có dám chắc mình đủ khả năng để trụ lại nước sở tại để làm việc sau khi tốt nghiệp, khi số lượng sinh viên quốc tế muốn xin việc cũng đông đảo như bạn và tình hình kinh tế ở các nước phương Tây (đặc biệt là ở châu Âu) luôn trong tình trạng khủng hoảng báo động? Trong khi rất nhiều sinh viên bản địa cũng đang rơi vào tình trạng thất nghiệp, bạn tự tin về điều gì khi khả năng ngôn ngữ chắc chắn không bằng họ? Đối với những ngành Xã hội và Nhân văn với yêu cầu ngôn ngữ rất cao thì đây rõ ràng là một thế yếu của du học sinh Việt.
Trong trường hợp bạn chỉ mượn một khoản tiền đủ để chi tiêu thời gian đầu (ví dụ cho năm đầu tiên) và xác định sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải, liệu bạn có đủ bản lĩnh đảm đương cả hai việc làm thêm và học hành, để có thể hoàn thành chương trình học với kết quả cao? Sau khi đã học xong, liệu khoản thời gian làm thêm đó có đủ để chi trả lại số tiền vay mượn hay bạn vẫn dậm chân tại khoản nợ ban đầu (trong khi việc học không chắc là không bị ảnh hưởng)? Khi vay mượn, bạn còn phải đối diện với vấn đề lãi suất. Nếu gia đình không đủ điều kiện để chi trả phần lãi suất thường kỳ này, chẳng phải bạn đang đặt gánh nặng lên người thân của mình, trong khi quãng thời gian tốt nghiệp và kiếm được việc làm vẫn còn đằng đẵng phía trước.
Học bổng Nga đã được trò chuyện với rất nhiều du học sinh gặp trắc trở với việc học lên. Rất nhiều bạn sang Mỹ học tại các trường Cao Đẳng Cộng đồng với lí do kinh phí không cho phép họ vào Đại học ngay từ đầu. Họ lên đường du học với suy nghĩ có được tấm bằng nào hay tấm bằng đó và run rủi mọi chi phí sinh hoạt cho việc làm thêm (nhiều trong số đó là việc làm không hợp pháp). Sau hai năm học, công việc làm thêm chỉ đủ để họ tồn tại ở Mỹ mà không thể chi trả cho học phí Đại học, trong khi khoản nợ ban đầu vẫn chưa trả nổi. Đó là lí do khiến họ phải tiếp tục đăng ký các chương trình Cao đẳng khác để được tiếp tục ở lại, trong khi mãi không thể học lên Đại học và trả nợ. Lật ngược lại vấn đề, nếu họ học Đại học ở Việt Nam và chỉ vay tiền để học năm cuối Thạc sỹ ở nước ngoài thì có lẽ gánh nặng kinh phí sẽ đỡ hơn rất nhiều, và giá trị bằng cấp cũng cao hơn?
Thẳng thắn thì với một tấm bằng Cao đẳng cộng đồng, cơ hội kiếm được việc làm ở Việt Nam thậm chí còn khá khó khăn trong thời điểm nhà nhà – người người đều có bằng cấp quốc tế, huống gì là xin được việc làm ở nước ngoài?
Vậy mới nói, việc vay mượn tiền của để đi du học là cả một chiến lược cần phải suy tính kỹ càng. Phải có ít nhất một điều gì đó chắc chắn trong tay (chi phí cho năm đầu tiên du học hay khả năng kiếm được việc làm thêm để tự trang trải sinh hoạt phí chẳng hạn) rồi hãy nên vay mượn. Nhiều bạn đưa ra con số vay mượn chỉ nên dưới 50% tổng học phí, nhưng Học bổng Nga nghĩ con số này là không thực tế vì mỗi du học sinh sẽ có những hoàn cảnh khác nhau và khả năng phát sinh cũng không phải là không có.
Nên hay không nên?
Tóm lại, câu trả lời của Học bổng Nga là nên vay mượn nếu bạn tự tin vào khả năng hoàn nợ cũng như thực sự có động lực phát triển với tấm bằng sẽ nhận được. Nhưng sẽ là không nên nếu khoản nợ là quá lớn với điều kiện bản thân và kế hoạch phát triển vẫn còn mơ hồ. Còn bạn, bạn có sẵn sàng vay tiền đi du học không?