Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9, Đại học Quốc gia Saint-Petersburg đã tổ chức Hội thảo khoa học “Các vấn đề về ngữ văn và dân tộc học ở Đông Nam Á” với sự tham gia của các chuyên gia Nga và nước ngoài. Các nhà khoa học đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề này: từ nghề pháp sư và các phương pháp chữa bệnh bằng cách dùng lá trầu ở Philippines và Campuchia cho đến những đặc điểm ngôn ngữ của các dân tộc ở Đông Nam Á.
Ví dụ, ngày 15/9, Hội thảo dành một phiên tham luận chuyên đề tiếng Việt. Kirill Efremenko từ Đại học Quốc gia Saint-Petersburg đã thực hiện một nghiên cứu về nhận thức cấu trúc nguyên nhân – kết quả trong tiếng Việt, đặc biệt chú ý đến tính tùy chọn và đôi khi là hàm ý cảm xúc của từ “phải” trong các cấu trúc này.
Chơi chữ
Nghệ thuật chơi chữ trong tiếng Việt nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bà Valentina Andreeva, nhà Việt ngữ học từ Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và bà Svetlana Glazunova, giảng viên cao cấp tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO) đã trình bày báo cáo về chủ đề này dù không thỏa thuận trước với nhau. Hai bản báo cáo tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của cách chơi chữ được thể hiện cả trong tục ngữ và trong những câu nói hàng ngày.
Hai nhà nghiên cứu lưu ý rằng, hiện tượng này phổ biến ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên, đôi khi cả logic và ý nghĩa của cách chơi chữ đều không thể tiếp cận được đối với những người bản địa “chưa qua đào tạo”. Bà Svetlana Glazunova lưu ý đến xu hướng ngôn ngữ theo kiểu tự chế trên các trang mạng xã hội của giới trẻ Việt gắn liền với việc sử dụng “âm thanh” của từ tiếng Anh. (“Sugar I I go, sugar you you go” – “đường tôi tôi đi, đường anh anh đi”; “No table” – “miễn bàn”).
Đại diện cho Việt Nam là sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcova mang tên Maurice Torez, (MSLU) Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Trong báo cáo của mình cô nói về các phương hướng nghiên cứu diễn ngôn chính trị. Diễn giả lưu ý rằng, hầu hết tất cả các công trình khoa học phương Tây về chủ đề này đều có tính chất phê phán và thuộc lĩnh vực khoa học chính trị hoặc nghiên cứu xã hội học. Còn các nhà nghiên cứu của Nga đi theo hướng ngôn ngữ học và kiềm chế phê phán. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt lưu ý đến những nhược điểm trong các nghiên cứu như vây và nhấn mạnh tầm quan trọng của các công việc này:
“Nghiên cứu diễn ngôn chính trị Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa. Điều này là rất quan trọng để mở rộng kiến thức về các đặc điểm của giao tiếp liên văn hóa, để đào tạo những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đất nước theo hầu hết mọi hướng – tất cả họ đều sử dụng ngôn ngữ chính trị. Bằng cách nghiên cứu chủ đề này, chúng tôi có thể giúp tránh được nhiều loại sự cố khác nhau trong tương tác giữa các quốc gia, kể cả trong lĩnh vực chính trị”, – cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhận xét.