Trước khi đi du học, bạn cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của mình. Những việc như khám sức khỏe tổng quát, lấy cao răng, đi khám mắt là những công việc cần thiết nhất.
Khám sức khỏe tổng quát
Hầu như ai trước khi đi du học cũng đều phải đi khám sức khỏe để bổ túc cho hồ sơ của mình. Tuy nhiên, công việc này đôi khi được xem là một hình thức chiếu lệ, làm cho có, chứ không được thực hiện một cách bài bản.
Hotcourses khuyên bạn hãy nên đi khám sức khỏe tổng quát sớm, phòng trường hợp tìm ra bệnh vẫn sẽ có một khoảng thời gian cho việc điều trị. Khám tổng quát thường có ba mục chính là:
- Khám lâm sàng (khám mắt, khám nội đa khoa, khám tai mũi họng, khám răng, kiểm tra huyết áp, khám phụ khoa/khám vú)
- Xét nghiệm (công thức máu toàn phần, xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm bệnh Gút (Axit Uric), đường huyết lúc đói, xét nghiệm viêm gan, tổng phân tích nước tiểu và xét nghiệm phiếu đồ ung thư cổ tử cung (nữ)
- Chẩn đoán hình ảnh (chụp tim phổi, siêu âm ổ bụng, điện tâm đồ, siêu âm tử cung, siêu âm vú, siêu âm tiến liệt tuyến)
Ở các bệnh viện công lớn thường có lượng khám bệnh quá tải nên bạn có thể tìm đến các bệnh viện tư có dịch vụ khám sức khỏe tổng quát, hoặc các phòng khám tư. Hãy tận dụng cơ hội này để hỏi han các bác sĩ về những triệu chứng mà bạn cho là bất thường của cơ thể, hoặc đơn giản là xin bác sĩ các lời khuyên hữu ích cho việc tự chăm sóc sức khỏe ở nước ngoài.
Lấy cao răng
Người Việt Nam thường chỉ tìm đến nha sĩ khi bị đau, cần nhổ răng. Tuy nhiên, đã đến lúc bạn nên quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng nhằm đề phòng các chứng bệnh liên quan và tránh lãng phí tiền bạc, đau đớn sau này. Việc loại bỏ cao răng là một trong những phương pháp vệ sinh răng và phòng bệnh hữu hiệu nhất. Đây là cách tốt nhất giúp bạn tránh được nguy cơ bị chảy máu răng, viêm nướu cũng như phòng ngừa việc mất răng và tiêu xương.
Có nhiều bạn sẽ thắc mắc là tại sao phải vệ sinh vôi răng trong khi họ đã đánh răng đều đặn sau mỗi bữa ăn và đang sở hữu một hàm răng trắng đều. Xin thưa đó chỉ là bề nổi mà thôi. Dù bạn có đánh răng 2, 3 lần mỗi ngày thì những mảnh vụn thức ăn vẫn còn sót lại. Cùng với vi khuẩn, những mảng bám dính lại trên răng, sau một thời gian tồn tại trong môi trường nước miếng sẽ tạo thành vôi răng, bám đầy ở các kẽ răng, thậm chí là dưới nướu nên bạn sẽ không nhìn thấy bằng mắt thường được. Việc lấy cao răng ngày nay không còn đau đớn như trước kia nữa vì được thực hiện bằng máy siêu âm, dùng độ rung để làm bong tróc mảng bám, nên bạn không nên quá lo sợ. Lưu ý là việc lấy vôi răng sẽ phải được thực hiện định kỳ (khoảng 3-6 tháng giữa hai lần lấy vôi) nên bạn cần tìm hiểu về các vấn đề như quyền lợi bảo hiểm hay chọn nha sĩ để đảm bảo cho việc thăm khám được tiếp tục ở nước ngoài.
Tìm hiểu về việc chăm sóc sức khỏe
Đi du học ở nước ngoài đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải một mình xoay xở với những vấn đề về sức khỏe của bản thân. Không nói đến những tình huống khẩn cấp cần phải gọi xe cấp cứu, thì những khi bị đứt tay, đau bụng, cảm cúm, nhức mỏi, bỏng, giật điện… hay những tình huống gặp người bị nạn giữa đường, bạn sẽ phải biết cách chăm sóc cho mình và người khác. Cho nên, cách tốt nhất là hãy “giắt túi” một ít vốn liếng sơ cứu và cách sử dụng các loại thuốc thông thường trước khi lên đường. Cuối cùng, bạn có thể tìm đến những người thân làm trong lĩnh vực Y Dược để xin lời khuyên, lên mạng tham khảo thông tin, đọc sách, hay bài bản nhất là tham gia một khóa học sơ cứu thường được tổ chức bởi các Câu lạc bộ kĩ năng sống.