Một số lượng lớn các ngôn ngữ, cả phương Tây và phương Đông, đang được nghiên cứu ở Nga. Trong số đó, nhu cầu học tiếng Việt ngày càng lớn. Tiếng Việt đang được dạy tại bảy trường đại học Matxcơva, hai trường Đại học St. Petersburg, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn đông (FEFU) và Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan (KFU). Mỗi trường đại học đều có những đặc điểm riêng và những bí mật riêng.
Ngôn ngữ của những nhà ngoại giao tương lai
Kể từ năm 1954, tiếng Việt được nghiên cứu tại trường đại học ngoại giao chính của đất nước – Học viện Quan hệ Quốc tế (Đại học) Nhà nước Matxcova (MGIMO). Cơ sở giáo dục này đặc biệt chú ý đến việc đào tạo phiên dịch viên là người chuyên làm công việc chuyển các văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, chủ yếu các tài liệu về nội dung kinh tế, chính trị và xã hội.
“Trong suốt quá trình học tập, chúng tôi rất chú trọng phát triển kỹ năng nghe hiểu. Không giống như trước đây, khi chúng tôi chỉ tập nghe các chương trình phát thanh nói giọng miền Bắc, ngày nay, trong những năm cuối đại học và sau đại học, chúng tôi đảm bảo dạy cho sinh viên nghe và hiểu cách phát âm giọng miền Nam”, – bà Svetlana Glazunova, giảng viên cao cấp tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), con gái của nhà Việt Nam học nổi tiếng Evgeny Glazunov, nói.
“Tất nhiên, ngoài các phương pháp giảng dạy truyền thống, chúng tôi cố gắng sử dụng các mô hình hiện đại, đa phương tiện và tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích sinh viên nâng cao trình độ chuyên môn. Một sự kiện lớn là cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn LB Nga (dịch thuật chính trị – xã hội) mà chúng tôi đã tổ chức hai lần và hiện đang chuẩn bị cho cuộc thi lần thứ ba”, – giảng viên nhận xét.
Làm thể nào để việc học trở nên thoải mái và thú vị
Kể từ năm 1956, tiếng Việt được dạy tại Viện Ngôn ngữ phương Đông, nay gọi là Viện nghiên cứu Châu Á và Châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov. Trong quá trình học tập, các giáo viên rất chú trọng đến thói quen đọc sách ở các sinh viên. Các tác phẩm văn học được đọc bởi một người bản xứ. Sinh viên năm 2 đọc và nghe những câu chuyện cổ tích Việt Nam ngắn và đơn giản, sau đó là những tác phẩm văn học dài hơn. Điều này mang lại cho các sinh viên cơ hội mở rộng vốn từ vựng và trải nghiệm sự giàu đẹp và phong phú của tiếng Việt.
Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Mátxcơva (MGLU) là trường đại học “trẻ nhất” trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt. Trường này đã bắt đầu dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga từ năm 2017 và đã thu được những kết quả rất tốt. Sinh viên MSLU đã ba lần đoạt giải trong các cuộc thi kiến thức về Việt Nam được tổ chức trong Những ngày Việt Nam tại MGIMO và đoạt giải nhất ở nhiều hạng mục tại cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn LB Nga. Sinh viên tốt nghiệp khóa Tiếng Việt của MSLU đã gia nhập đội ngũ giảng viên tại một số trường đại học ở Matxcơva. MSLU đào tạo các biên dịch viên có hồ sơ rộng nhất. Vì vậy, sinh viên nghiên cứu lịch sử và văn phong tiếng Việt, ngữ pháp lý thuyết và những phương pháp dịch thuật.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hoa giảng dạy tại Đại học Ngôn ngữ quốc gia Matxcơva (MGLU), cho biết: “Chúng tôi dạy dịch ngay từ những giờ đầu tiên nhằm giúp sinh viên có tư duy dịch ngay từ đầu. Chúng tôi cố gắng đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, làm cho lớp học trở nên thoải mái và thú vị. Ví dụ, trong những năm cuối cấp, chúng tôi không chỉ dịch tin tức mà còn tổ chức những cuộc họp báo, nơi sinh viên thay phiên nhau đóng vai trò là diễn giả, phiên dịch viên và phóng viên đặt câu hỏi cho diễn giả. Tôi cùng các sinh viên xem những bộ phim Việt Nam và thảo luận về những câu chuyện của các nhà văn Việt Nam đương đại. Năm học này tôi bắt đầu dạy tại lớp học phiên dịch song song/cabin, đây là chuyên ngành dịch thuật rất quan trọng và có nhu cầu cao”.
Những thuật ngữ quân sự mà bạn cần phải biết
Nga và Việt Nam có mức độ hợp tác kỹ thuật quân sự rất cao. Mấy trăm sinh viên Việt Nam đang theo học tại các học viện quân sự của Nga. Ngoài ra, phần lớn trang thiết bị quân sự phục vụ cho Quân đội nhân dân Việt Nam đều do Nga cung cấp và các lãnh đạo quân sự Việt Nam thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp Nga. Vì vậy, nhu cầu về phiên dịch viên cho quân đội là rất cao.
Việc đào tạo những chuyên gia như vậy đã bắt đầu tại Học viện Ngoại ngữ Quân đội vào năm 1965. Ban đầu chỉ có những tờ báo tiếng Việt giúp học viên nắm vững những thuật ngữ chuyên ngành quân sự, sau đó xuất hiện sách giáo khoa do cả người Việt và người Liên Xô viết, rồi đến các giáo viên người Nga, những người đã làm rất nhiều việc để chuẩn hóa các thuật ngữ quân sự trong tiếng Việt.
“Kể từ năm 2011, học viên của Học viện Quân sự hàng năm đều được thực tập tại Học viện Khoa học Quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và tham gia làm phiên dịch viên hỗ trợ nhiều sự kiện trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng Nga-Việt, ví dụ, tháp tùng các phái đoàn, dịch bài giảng cho sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng Nga, tham gia các Hội thao quân sự Quốc tế và các cuộc diễn tập song phương”, – TS Ngữ văn Vladimir Serbin, giảng viên ĐHTH Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho biết.
Để học ngoại ngữ phải có người bản ngữ
Trình độ của đội ngũ giáo viên Nga dạy tiếng Việt khá cao, họ đã viết hàng chục sách giáo khoa và giáo cụ dạy học tiếng Việt tuyệt vời, nhưng hiệu quả giảng dạy phần lớn phụ thuộc vào sự tiếp xúc thường xuyên của sinh viên với người bản ngữ. Vì vậy, ở hầu hết các trường đại học dạy tiếng Việt đều có giáo viên người Việt, sinh viên Nga thường xuyên đi thực tập 1 năm tại các trường đại học Việt Nam, giao lưu với sinh viên Việt Nam tại trường mình. Các trường đại học này duy trì hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok.
Ví dụ, trong 20 năm qua, Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) cùng với Tổng Lãnh sự quán, Hiệp hội Hữu nghị với Việt Nam khu vực Primorsky và Trung tâm Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tổ chức kỳ thi Olympic cho học sinh nhập học theo diện được nhà nước tài trợ, kỳ thi này từ lâu có phạm vi toàn Nga.
Nga và Việt Nam được kết nối bằng tình hữu nghị và hợp tác nhiều năm trên mọi lĩnh vực, không phụ thuộc vào lợi ích nhất thời cũng như những thay đổi về tình hình chính trị. Các doanh nghiệp, tổ chức công cộng và khoa học của LB Nga rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Việt Nam, và để làm được điều này chúng tôi cần có những người có kiến thức tốt về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước tuyệt vời này. Và số lượng nhà Việt Nam học tại Nga ngày càng gia tăng.