Trong tương lai gần, với đội ngũ chuyên gia Nga và sự đầu tư của chính phủ Nga, với sự đồng hành cùng Việt Nam trong việc nâng tầm hoạt động của Phân viện Pushkin, chức năng một Trung tâm tiếng Nga của khu vực Đông Nam Á là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ngày 7/4, đoàn công tác Liên bang Nga do Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko dẫn đầu đã thăm Phân viện Hà Nội của Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.S. Pushkin. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, trước hết là vì từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao như thế (cả Nga cả Việt Nam) tới thăm trung tâm tiếng Nga này.
Nhân sự kiện, Sputnik đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện. Câu chuyện xoay quanh lịch sử thăng trầm của Phân viện tiếng Nga Hà Nội, ý nghĩa và vị thế của nó hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực giáo dục.
Hơn 30 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, Phân viện Pushkin vẫn nỗ lực thực hiện sứ mệnh cao cả được giao
Chào chị Nguyễn Thị Thu Đạt! Cảm ơn chị đã dành thời gian cho Sputnik. Lần đầu tiên một Phó thủ tướng chính phủ thăm Phân viện, cùng với ông về phía Nga còn có hai Thứ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Sự kiện làm ta liên tưởng ngay tới việc “nâm tầng của Phân viện” lên mức cao hơn. Nhưng, chúng ta hãy bắt đầu đầu câu chuyện về lịch sử của Phân viện.
Phân viện Pushkin, khi thành lập vào năm 1983 là Phân viện tiếng Nga A.S.Pushkin Hà Nội, là một trong số 10 Phân viện của Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.S.Pushkin, hoạt động như một đơn vị hỗn hợp Việt-Xô, chịu sự quản lý của 2 Bộ – Bộ Giáo dục và Trung học chuyên nghiệp Liên xô và Bộ Giáo dục và Trung Học Việt Nam. Với vai trò của một trung tâm khoa học-phương pháp, Phân viện Pushkin đã làm tốt việc tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ và văn hoá Nga ở Việt Nam, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Nga của Việt Nam, biên soạn sách, giáo trình, tài liệu học tập tiếng Nga, hỗ trợ các cơ sở có đào tạo tiếng Nga trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Từ sau năm 1991, các chuyên gia Liên xô về nước, Phân viện Pushkin chỉ còn lại chuyên gia người Việt Nam, bắt đầu hoạt động như một đơn vị độc lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Do nhu cầu sử dụng, học và nghiên cứu tiếng Nga trong nước giảm đi, số lượng người học cũng giảm đi rõ rệt, quy mô hoạt động của Phân viện Pushkin cũng giảm theo.
Duy trì hoạt động độc lập của Phân viện Pushkin với những nỗ lực rất lớn
Trong hơn 30 năm sau khi Liên Xô không còn tồn tại, phía Việt Nam đã nỗ lực như thế nào để duy trì hoạt động của Phân viện Pushkin tại Hà Nội?
Trong hơn 30 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, các thế hệ cán bộ, chuyên gia của Phân viện Pushkin vẫn nỗ lực thực hiện sứ mệnh cao cả được giao. Nhưng do thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia người bản ngữ, kinh phí hạn hẹp, nên từ đó tới nay nhiều hoạt động không thể tiến hành độc lập, mà phải nhờ tài trợ kinh phí của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nhờ sự hỗ trợ của giảng viên, chuyên gia tiếng Nga các trường đại học của Liên bang Nga. Sự phối hợp hoạt động của Phân viện Pushkin với Viện tiếng Nga quốc mang tên A.S. Pushkin vẫn rất chặt chẽ, nhất là từ năm 2013 (sau khi ký Thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị) cho đến nay, nhưng ở mức là 2 đối tác truyền thống.
Với sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Phân viện Pushkin, dù còn rất nhiều khó khăn như thiếu kinh phí, địa điểm không đủ lớn cho hoạt động đông người, trang thiết bị không đủ hiện đại để đáp ứng yêu cầu, không có chuyên gia Nga, nhưng Phân viện vẫn duy trì và mở rộng hoạt động.
Chị có thể cho biết về những hoạt động chính của Phân viện trong suốt thời gian đó và hiện nay?
Các hoạt động nhân các ngày lễ lớn, giao lưu, festival, các cuộc thi có thưởng… với quy mô lớn nhằm tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ và văn hoá Nga vẫn được tổ chức thường xuyên, số người tham gia ngày càng đông hơn qua từng năm.
Các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Nga toàn quốc, các hội nghị khoa học-thực hành về ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy, dù thưa thớt hơn, nhưng cũng vẫn được tổ chức, không chỉ cho giáo viên tiếng Nga của Việt Nam, mà còn cho giáo viên nhiều nước ở cả châu Âu và châu Á cùng tham dự, cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.
Các khóa học tiếng Nga ngắn hạn, các trại hè ở Liên bang Nga bắt đầu được tổ chức cho học sinh, sinh viên Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Tiếng Nga tiền dự bị dành cho người đi du học và lưu học sinh, tiếng Nga chuyên ngành bắt đầu được mở từ năm 2009. Đặc biệt, kể từ năm 2014 cho đến nay, Phân viện Puskin là địa chỉ duy nhất ở Việt Nam tổ chức bồi dưỡng ôn luyện, thi và cấp chứng chỉ tiếng Nga quốc tế các cấp độ, dành cho các đối tượng khác nhau.
Cũng trong gần 30 năm, học sinh, sinh viên Việt Nam không được học tiếng Nga với giáo viên bản ngữ, điều rất quan trọng với người học ngoại ngữ ở ngoài môi trường tiếng. Nhưng với sáng kiến của Phân viện Pushkin, được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ giáo dục và Đào tạo, năm 2020, Bộ Giáo dục Liên bang Nga phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam triển khai Dự án nhân văn “Giáo viên Nga ở nước ngoài”, giao đầu mối là Phân viện Pushkin. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm học, phía Nga cử 5-6 giáo viên Nga sang các trường phổ thông của Việt Nam, trực tiếp giảng dạy tiếng Nga.
Tất cả các hoạt động thực hiện được phần nhiều là nhờ tài trợ kinh phí, nhân lực, địa điểm, trang thiết bị… của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước; nhờ các trường đại học của Nga hỗ trợ cử giảng viên, giáo sư sang Việt Nam giảng bài.
Và sự ủng hộ to lớn nhất thuộc về chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để duy trì hoạt động độc lập của Phân viện Pushkin, như một biểu tượng và minh chứng của tình hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai nhà nước.
Phó Thủ tướng LB Nga Chernyshenko thăm Phân viện Pushkin Hà Nội – một ngày hội thực sự
Hôm 7/4 đã diễn ra sự kiện mà các nhà Nga ngữ học Việt Nam, sinh viên học sinh Việt Nam học tiếng Nga, những người Việt Nam gắn bó với nước Nga rất vui mừng. Lần đầu tiên một quan chức Nga cấp cao như thế (Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko) đến thăm Phân viện. Chị, với tư cách là Giám đốc Phân viện Pushkin tại Hà Nội, đánh giá sự kiện này như thế nào?
Sự kiện ngày 7/4/2023 phải nói là rất đáng ghi nhớ. Một sự kiện chưa hề có tiền lệ trong lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của Phân viện Pushkin. Như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã phát biểu hôm đó: “Ngày hôm nay là một ngày hội thực sự của Phân viện Pushkin”, bởi có Phó Thủ tướng LB Nga Chernyshenko đến thăm. Hơn thế nữa, tập thể Phân viện và một số cá nhân chúng tôi còn được nhận Thư cảm ơn của Chính phủ Nga, do Ngài Phó Thủ tướng trực tiếp trao tặng. Đó là niềm vui, niềm tự hào, là sự công nhận những nỗ lực và đóng góp của tất cả các thế hệ cán bộ nhân viên Phân viện trong việc tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ và văn hoá Nga ở Việt Nam. Với sự khẳng định của nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Nga về tầm quan trọng của Phân viện Pushkin, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi tin tưởng rằng, lịch sử của Phân viện Pushkin bắt đầu bước sang một trang mới, với những hoạt động mang đúng tầm của một Trung tâm khoa học-phương pháp tiếng Nga của cả nước, một “Ngôi nhà chung của Nga ngữ học Việt Nam” vững chãi, mạnh mẽ.
Thực hiện chức năng một Trung tâm tiếng Nga của khu vực Đông Nam Á là hoàn toàn có thể
Chị có thể cho biết về những vấn đề hai bên thảo luận? Điều gì làm chị ấn tượng nhất?
Trong lần đến thăm Phân viện Pushkin của Phó Thủ tướng LB Nga Dmitry Chernyshenko, các lãnh đạo cùng cam kết nỗ lực hết sức để thực hiện những nội dung đã ký trong Biên bản Khóa họp liên chính phủ lần thứ 24 ngày 6/4/2023 tại Hà Nội, để trong thời gian sớm nhất hai Bên soạn thảo xong nội dung và ký kết một Hiệp định liên chính phủ mới về hoạt động của Phân viện Pushkin, để có thể phát huy hết tiềm năng của Phân viện, với đội ngũ cán bộ Nga-Việt, trong việc đẩy mạnh dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam, và hơn thế nữa.
Tất cả mọi người: các giáo viên tiếng Nga, các nhà Nga ngữ đại diện cho các cơ sở giáo dục, các cán bộ viên chức và học viên của Phân viện có mặt ở buổi gặp hôm đó, ấn tượng nhất là sự thân thiện, gần gũi, quan tâm của Ngài Phó Thủ tướng. Tất cả mọi người đều được chào. Các học viên đều được hỏi thăm khi Ông và phái đoàn vào thăm từng lớp học. Nhưng điều làm chúng tôi vui nhất là trong bài phát biểu, người đại diện Chính phủ Nga đã bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của các thế hệ cán bộ Phân viện, hơn 30 năm chung thuỷ, kiên trì thực hiện sứ mệnh cao cả là tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ, văn học và văn hoá Nga ở Việt Nam.
Được biết, phía Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận về việc thành lập Tổ công tác. Tổ công tác này sẽ soạn thảo nội dung Hiệp định liên chính phủ, và nội dung chính sẽ là biến Phân viện Hà Nội của Viện tiếng Nga mang tên A.S. Pushkin thành một Trung tâm tiếng Nga ở Đông Nam Á. Đánh giá của chị về khả năng Phân viện sẽ mang chức năng Trung tâm tiếng Nga ở Đông Nam Á?
Chúng tôi tin rằng, khả năng trong tương lai gần, với đội ngũ chuyên gia Nga và sự đầu tư của chính phủ Nga, đồng hành cùng Việt Nam, để nâng tầm hoạt động của Phân viện Pushkin, để Phân viện có thể thực hiện được chức năng của một Trung tâm tiếng Nga của khu vực Đông Nam Á, điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Phân viện Pushkin, dù lâu nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng không chỉ một lần, đã từng tổ chức các khóa nâng cao trình độ, các hội nghị khoa học và phương pháp giảng dạy, không chỉ cho giáo viên của Việt Nam, mà cả giáo viên tiếng Nga của các nước Đông Nam Á cũng tham gia rất tích cực.
Chân thành cảm ơn chị! Chúc Phân viện tiếng Nga Hà Nội phát triển và thành công.