Đại học Liên bang Viễn Đông đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam

Đ

Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật diễn ra trong những ngày 5-7/4/2023, đoàn công tác của Trường Đại học tổng hợp Liên bang Viễn đông (FEFU) và Ngân hàng SBERBANK ROSSI đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dẫn đầu đoàn công tác từ Liên bang Nga, TS. Grigoriy Alexanin – Hiệu trưởng Đại học Toán học và kỹ thuật máy tính, TS. Roman Dremliuga – Phó Hiệu trưởng hợp tác phát triển Đại học Toán học và kỹ thuật máy tính, ông Andey Neznamov – Giám đốc chương trình Trí tuệ nhân tạo, Ngân hàng Sberbank và bà Lưu Thị Nam Hà – Giám đốc VPĐD FEFU tại ĐHQGHN.

Tham dự buổi tiếp đón về phía ĐHQGHN có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, PGS. TS. Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Hợp tác và phát triển. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Ngọc An – Phó Trưởng phòng KHCN&HTPT, TS. Võ Đình Hiếu – Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin cùng đại diện nhóm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các hoạt động giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường, những thế mạnh của hai trường trong đào tạo và nghiên cứu công nghệ thông tin, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) được Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đặc biệt quan tâm phát triển.
Hay bên đều hướng tới các nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh phát triển kinh tế bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao phúc lợi cho xã hội. Sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn môi trường toàn cầu. FEFU đề xuất các hướng nghiên cứu thực tế, cơ hội và triển vọng cho ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để biến đổi nền kinh tế và quản trị công cộng nhằm đạt được kết quả phát triển bền vững.

Các chuyên gia FEFU đã chia sẻ về các dự án đang được thực hiện ở trong nước: Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách đo lường khí thải từ phương tiện giao thông, nông nghiệp và công nghiệp và tìm cách giảm thiểu chúng. Ngoài ra, công nghệ này cải thiện độ chính xác trong việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan và cung cấp các công cụ ra quyết định hiệu quả hơn. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông vận tải cho phép dự đoán tắc đường và đề xuất các tuyến đường thay thế, cũng như ước tính nhu cầu về phương tiện theo khu vực và thời gian. Các giải pháp này không chỉ giúp dễ dàng di chuyển mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường.

Mỗi nền kinh tế đều có một khung pháp lý và đạo đức cho việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhưng các phương pháp và định nghĩa trong lĩnh vực này chưa được thống nhất. FEFU đề xuất nghiên cứu và xây dựng chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo để tăng cường hợp tác quốc tế và xác định chiến lược để thống nhất chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo.

Qua buổi gặp gỡ, tìm hiểu hai bên sẽ thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Trường ĐH Công nghệ với Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông thông qua việc xây dựng định hướng nghiên cứu mang tính thực tiễn, đưa các kết quả nghiên cứu vào chương trình đào tạo. Đồng thời, hai bên có thể tiến đến trao đổi giảng viên, chuyên gia, cán bộ.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.