Việt Nam thúc đẩy dạy học tiếng Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa

V

Trong 2 ngày 18-19/2, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa trong bối cảnh dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ” được tổ chức bởi Phân viện Puskin trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow theo hình thức kết hợp – trực tiếp và trực tuyến ở cả 2 đầu cầu Việt Nam và Nga. Đây là hoạt động thuộc chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm chéo Việt – Nga” cũng như hoạt động để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Gorodilova G.G.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đây là diễn đàn để giao lưu, trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học – Nga ngữ học của Việt Nam, Nga và nước ngoài; nhằm thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài và cung cấp những thông tin mới, các vấn đề liên quan tới dạy – học tiếng Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa kỹ thuật số. Hội thảo cũng là cơ hội để tạo dựng, thắt chặt mối quan hệ giao lưu và hợp tác học thuật giữa các cơ sở đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam, với các đối tác của Liên bang Nga và các nước bạn.

Thắm tình hữu nghị Việt – Nga

Phát biểu khai mạc, ông Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội khẳng định: “Việc phối hợp với trường Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcơva để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần này là một việc làm rất ý nghĩa, có thể khởi đầu cho một tương lai hợp tác khoa học – đào tạo chặt chẽ giữa hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của hai nước.

Hội thảo khoa học hôm nay không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ ở Việt Nam và ở các nước, mà còn là diễn đàn giao lưu trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học – Nga ngữ học của Việt Nam, Nga và nước ngoài; và cũng là cơ hội để tạo dựng, thắt chặt mối quan hệ giao lưu và hợp tác học thuật giữa các cơ sở đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam, với các đối tác của Liên bang Nga và các nước bạn”.

Tại Hội thảo, ông Gennady Bezdetko – Đại sứ Nga tại Việt Nam chia sẻ niềm vui mừng khi thế hệ trẻ Việt Nam vẫn dành sự quan tâm tới tiếng Nga. Hàng năm, có khoảng 1000 sinh viên Việt Nam được tuyển chọn vào học tại các trường đại học hàng đầu của Nga theo học bổng nhà nước. Họ đang được học các chuyên ngành mới hiện đại trong nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, năng lượng, công nghệ cao.

Thực tế là trong số những cựu lưu học sinh đã từng học tập tại các trường đại học của Liên xô trước kia và Liên bang Nga hiện nay có những người đã trở thành những chính khách, những nhà ngoại giao nổi tiếng, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, các nhà khoa học, nhạc sĩ, doanh nhân và phóng viên. Họ đều là những người đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương và luôn luôn gìn giữ tình cảm nồng ấm đối với nước Nga xa xôi, góp phần làm bền chặt tình hữu nghị Việt – Nga.

Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ các Viện Nghiên cứu, các Trường Đại học và Cao đẳng, các tổ chức học thuật liên quan đến Nga học của các nước với gần 90 bài nghiên cứu và tham luận chất lượng bằng tiếng Nga của các nhà nghiên cứu đến từ 12 nước như Nga, Việt Nam, Mỹ, Đức, Syria, Tây Ban Nha, Croatia, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus.

Dạy tiếng Nga trong đại dịch Covid-19

Tại hội thảo diễn ra phần trình bày tham luận của 4 nhà Nga ngữ học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Liên bang Nga. Các bài tham luận tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học tiếng Nga thời đại dịch Covid-19.

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm quốc gia Matxcova Lubkov Alekxei Vladimirovich chia sẻ, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp giảng viên của các trường đại học đã vượt qua thách thức và xây dựng được một hệ thống các công nghệ giáo dục từ xa hiệu quả, trong đó bao gồm cả lĩnh vực giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/02/2022 tập trung vào 5 vấn đề lớn, cụ thể: Các vấn đề lý thuyết và phương pháp luận của quá trình tiếp biến văn hóa trong giao tiếp liên văn hóa; Các khía cạnh văn hóa và nhân học của giao tiếp giữa các ngôn ngữ; Sự hài hòa giữa các cách tiếp cận và các phương pháp dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong không gian giáo dục toàn cầu; Tiếng Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa kỹ thuật số; Tiếng Nga trong không gian văn hóa xã hội Việt Nam.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.