Đối với tôi, việc được sống và học tập tại nước Nga rộng lớn với nền văn hóa vĩ đại là một điều may mắn và cũng là một cái duyên.
Ngay từ khi còn bé, tôi đã ước mong có cơ hội được đến thăm xứ sở bạch dương. Và rồi giấc mơ tưởng chừng như xa vời ấy đã trở thành hiện thực. Sau khi nhận được học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị của nhà trường cử đi du học tại Nga, năm 2005, tôi đặt chân đến thành phố Irkutsk thuộc vùng Siberia để bắt đầu hành trình tìm kiếm tri thức ở nước bạn.
Thành phố Irkutsk nằm bên bờ con sông Angara thơ mộng. Đây cũng là thành phố rất gần hồ Baikal rộng lớn vốn được người ta ví như “hòn ngọc của nước Nga”. Bước xuống sân bay Irkutsk, ngay lập lức, chúng tôi cảm nhận được luồng không khí tươi mát, trong lành. Trên đường về Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Irkutsk, nhìn qua cửa sổ ô tô, tôi được thỏa sức ngắm nhìn thành phố. Mùa thu, những con đường trải đầy lá vàng rơi. Nhìn khung cảnh ấy, tôi chợt liên tưởng đến bức tranh nổi tiếng “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan. Quả thật, cảnh thực và tranh không khác nhau là mấy! Giữa khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời và tiết trời se se lạnh của mùa thu, tôi thấy nhớ quê hương da diết. Nhưng tôi cũng tự nói với chính bản thân mình rằng cần phải mạnh mẽ và quyết tâm học hành để đem những kiến thức tích lũy được ở nước bạn về phục vụ Tổ quốc. Mục đích học tập đó đã mang lại cho tôi nguồn năng lượng tích cực để vượt qua những thử thách và tiến về phía trước.
Ban đầu, chúng tôi phải trải qua lớp dự bị tiếng Nga 1 năm. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để có thể nhanh chóng gom được vốn tiếng Nga kha khá trước khi bước vào học chuyên ngành. Các thầy cô giáo vốn được sinh ra từ thời Liên Xô trước đây vô cùng gắn bó, yêu mến Việt Nam và quan tâm tới tình hình nước ta. Trong khi đó, sinh viên Nga thế hệ chúng tôi thì lại khác. Họ cầu tiến, ham học hỏi, thẳng thắn nhưng lại biết ít về Việt Nam. Thế là, khi kết bạn với các bạn Nga, ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập, chúng tôi cũng trò chuyện, giới thiệu thêm để họ biết về đất nước, con người Việt Nam cũng như nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước ta.
Còn với bạn bè Việt Nam đồng trang lứa, chúng tôi chỉ đi cùng nhau trong 1 năm học tiếng Nga ở khoa dự bị. Sau đó, mỗi người một lối đi riêng với bạn mới, lớp mới, thầy cô mới. Dù vậy, ngoài thời gian trên lớp, chúng tôi vẫn cùng nhau tham gia vào các chương trình văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể thao của nhà trường và ký túc xá.
Đối với sinh viên nước ngoài như chúng tôi và nhiều bạn đến từ các nước khác, việc tham gia các hoạt động trên chính là cơ hội để hiểu hơn về văn hóa Nga. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ về chuyến dã ngoại vào mùa đông trên mặt hồ Baikal khi nước đã đóng băng. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức món cá Omul xông khói mà không nơi nào khác có.
Nếu những năm ngồi trên giảng đường đại học là khoảng thời gian sôi nổi, hào hứng của sinh viên thì những năm sau đó tôi mới thực sự cảm nhận, suy nghĩ nhiều hơn về nước Nga bằng cả trái tim mình. Sau khi tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Vô tuyến vào năm 2011, tôi trở thành nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Irkutsk. Đặc thù của nghiên cứu sinh là phải tự chọn cho mình một hướng nghiên cứu, làm việc với riêng một thầy giáo. Và thầy giáo của tôi là Tiến sĩ khoa học Egorov Victor Nikolaevich. Tôi quen thầy Egorov Victor Nikolaevich khi thầy vừa nhận lớp tôi để dạy một môn học quan trọng mà hầu hết sinh viên Nga đều ngán ngẩm. Sự liều lĩnh và quyết tâm đã cho tôi can đảm ngỏ lời với người thầy mà rất nhiều bạn sinh viên khác hồi hộp mỗi khi đối mặt.
Người thầy kính mến Egorov Victor Nikolaevich của tôi rất khiêm tốn và có lối sống vô cùng giản dị. Dù thầy giữ chức vụ trong một viện nghiên cứu lớn nhưng vẫn thường xuyên đi bộ tới nơi làm việc. Khi tiến hành nghiên cứu cùng thầy, tôi càng hiểu rõ hơn về con người thầy. Mỗi lần nghĩ tới thầy, tôi lại nhớ tới sự kiên nhẫn và bao dung mà thầy dành cho tôi. Khi tôi gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, thầy chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Em cần phải suy nghĩ thấu đáo, từ mọi khía cạnh. Điều đó ít nhất là giúp ta bóc tách vấn đề cần nghiên cứu”. Câu nói của thầy làm tôi nhớ mãi và cũng giúp tôi thêm kiên trì khi đối mặt với những vấn đề hóc búa. Có những lần đến trao đổi công việc với thầy, tôi thấy thầy căng thẳng bước ra khỏi phòng họp kín với hàng tá người vây quanh. Dù vậy, khi trao đổi với tôi, thầy vẫn điềm tĩnh và nhỏ nhẹ chỉ bảo. Trong thời điểm quan trọng quyết định nội dung nghiên cứu, thầy động viên: “Làm khoa học có thể thử, có thể sai, có thể vấp ngã nhưng đừng bao giờ từ bỏ”. Điều đó cho thấy thầy cũng là người vô cùng nghiêm khắc và kỷ luật trong công việc. Dù việc nghiên cứu khiến tôi vất vả suốt bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng nhờ sự động viên của thầy, tôi đã từng bước hoàn thành những gì mà hai thầy trò đã vạch ra một cách tỉ mỉ.
Ba năm nghiên cứu sinh trôi qua trong sự hối hả nhưng là khoảng thời gian ghi dấu những kỷ niệm không thể nào quên. Năm 2014, tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ. Đến lúc này, tôi càng khâm phục thầy hơn bởi khả năng làm việc phi thường. Khi ngày bảo vệ được quyết định, thầy thức suốt đêm hướng dẫn tôi. Đối với một thanh niên như tôi, thức đêm là một việc hết sức mệt mỏi. Vậy mà thầy tôi vẫn không nề hà, sẵn sàng chờ đợi từng dòng luận văn từ tôi để cùng trao đổi, giúp đỡ cho kịp gửi lên để hội đồng xét duyệt. Rồi thầy lại cùng tôi bảo vệ từng luận điểm trước những “bộ óc” trí tuệ của 23 thành viên Hội đồng cấp nhà nước. Tôi vẫn còn nhớ in, ngày 31-12-2014 – ngày tôi hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ. Đó là ngày vui buồn đan xen. Trong niềm vui vì bảo vệ luận án thành công, tôi thấy lòng mình chùng xuống vì phải kết thúc việc học dưới chỉ bảo tận tình của thầy.
May mắn là khi về nước, tôi được về công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Ở đây, cuộc sống và sự nghiệp của tôi lại một lần nữa gắn bó với nước Nga. Tôi lại có cơ hội làm việc cùng các chuyên gia Nga trong lĩnh vực hợp tác khoa học-công nghệ vốn được coi là điểm sáng trong quan hệ Việt – Nga.
Từ xa xôi, nước Nga đã trở nên gần gũi, thân thương đối với tôi tự bao giờ. Tình cảm của tôi đối với nhân dân Nga cũng được nhân dần theo năm tháng. Và những câu nói, lời động viên, khích lệ của thầy mãi theo tôi trên những nẻo đường làm khoa học…
NÔNG QUỐC QUẢNG(qdnd.vn)