CÁCH DU LỊCH “BỤI” Ở NGA VÀO MÙA HÈ CHO SINH VIÊN VIỆT NAM

C

Đối với những du học sinh Việt Nam chúng ta, ở thời điểm này: nước Nga vào mùa hè đang đều tất bật tập trung ôn thi học kỳ, trả môn hay hơn nữa là bảo vệ luận án tốt nghiệp của các bạn sinh viên năm cuối….và chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa thôi là chúng ta sẽ kết thúc chặng đường của 1 năm học, có những người là cả chặng đường đời sinh viên. Rất nhiều các bạn từ Việt Nam sang du học Nga đều là thuộc dạng gia đình có điều kiện, khá giả ngay sau khi Thi xong kỳ Thi học kỳ sẽ về nước để thăm gia đình và đi du lịch xả hơi cho 1 năm học tập căng thẳng và xoa dịu nỗi nhớ nhà. Thế nhưng cùng không ít các bạn vì 1 số lý do nào đó vẫn ở lại với mùa hè nước Nga, để giúp mùa hè của các bạn không buồn chán,lủi thủi một mình trong ký túc xá, hay chạy đi chạy lại mấy cái công viên ở thành phố mình sống (mình đã từng như vậy)

Du học Nga chúng tôi xin được chia sẻ 1 số kinh nghiệm du lịch “Bụi” (tất nhiên đã là “bụi” thì phải “rẻ” rồi) dành cho các bạn, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên năm cuối nhé, đây gần như cơ hội cuối cùng của quãng đời sinh viên, là quãng thời gian “rảnh” nhất để các bạn mở mang hiểu biết về nước Nga, hay đơn giản chỉ là để lưu giữ những kỷ niệm về nước nga một thời tuổi trẻ.

Sau đây là một số thông tin giúp cho các phượt thủ là du học sinh Việt Nam ở Nga trải nghiệm một chuyến du lịch bụi tuyệt vời đến Nga với chi phí hợp lý nhất từ kinh nghiệm bản thân tôi.

Trước hết, để các bạn dễ hình dung lộ trình và kế hoạch, Tôi xin tự giới thiệu Tôi là sinh viên năm 3 của Trường TGTU Tambov đi Du học Nga theo diện học bổng Hiệp Định, vốn tiếng Nga tàm tạm, tiền có 1 ít tiết kiệm từ quỹ học bổng hàng tháng, hành lý mang mỗi cái Ba-lô tầm 15kg

1. Lên lộ trình cho chuyến đi
Thông thường, bạn sẽ xem thông tin tư vấn trong quyển sách Lonely Planet để tìm lộ trình thích hợp cùng quỹ thời gian mà bạn có. Đây là cách khách du lịch ba lô thường lựa chọn. Mỗi lộ trình đều có tư vấn chi tiết những thông tin như đi đến như thế nào, ăn, ngủ, chơi gì ở những điểm đến đó. Cách này khá tốt cho những người từng có kỹ năng đi du lịch theo hình thức bụi.

Một cách khác đối với sinh viên Việt Nam là tham khảo chương trình từ các công ty du lịch ở trong nước. Đây cũng là những điểm tham quan được các công ty lữ hành ở Việt Nam chắt lọc cẩn thận cho phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam. Lợi thế của cách thức này là bạn có thể tham khảo và hỏi thông tin chi tiết từ các công ty lữ hành để hoạch định kế hoạch riêng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một vài tour cho bạn tham khảo và các tour luôn gắn liền với các hoạt động mua sắm. Một cách khác dung hòa hơn là bạn có thể dùng Google để tìm kiếm một số công ty lữ hành tại Nga, tham khảo các tour của họ. Cách này khá tốt vì các bạn sẽ có rất nhiều tour để lựa chọn. Một vài website có thể tư vấn và thiết kế theo nhu cầu của khách hàng, nên bạn có thể gửi mail, nhờ họ tư vấn.

Tôi đi phượt ở đây không có lộ trình chi tiết ngoại trừ máy tấm vé tàu, xe lúc di chuyển từ Thành phố Tambov lên Moscow. Cách của tôi là dựa vào Lonely Planet và sở thích của mình. Đối với các bạn học ở thành phố xa như tôi thì không thể bỏ qua 2 thành phố quan trọng là Moscow và Saint Petersburg và các di sản thế giới quanh đó (bạn nào ở Mos hoặc Saint rồi thì bỏ qua 1 trong 2 cũng được nhé). Tôi cũng muốn có cơ hội đến với thành phố lớn nhất nằm trên vòng cực Bắc ở nước Nga, nơi nếu may mắn bạn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng cực quang kỳ thú. Lịch trình 15 ngày ở Nga của chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

Ngày 1: Đi tàu đến Moscow, gửi hành lý ở nhà nghỉ, hỏi một vài thông tin du lịch ở Moscow và lên kế hoạch cho những ngày thăm thú ở đây. Dạo thuyền trên sông và ngắm hoàng hôn.
Ngày 2: Tới cụm quần thể di sản thế giới Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin; bảo tàng lịch sử quốc gia, nhà thờ chính tòa thánh Basil, khu mua sắm rộng lớn GUM có từ thế kỷ 19. Ngắm hoàng hôn trên Quảng Trường Đỏ.
Ngày 3: Tham quan 2 di sản thế giới khác ở Moscow là nhà thờ Thăng Thiên Kolomenskoye, tu viện Novodevichy. Tham quan hệ thống tàu điện ở Moscow. Tối lên tàu đi Saint Petersburg.
Ngày 4: Đến Saint Petersburg. Về khách sạn gửi hành lý. Ra ga mua vé tàu đi Petrozavodsk. Tham quan nhà thờ thánh Issac, leo lên đỉnh tháp chuông ngắm toàn cảnh Saint Petersburg. Tham quan cung điện Mùa Đông lần 1 với 3 triệu hiện vật. Mua đồ ăn ở siêu thị về tự nấu, đối với sinh viên bọn mình khoản tự nấu thì quá đơn giản rồi J
Ngày 5: Đi bộ dọc các con kênh nhỏ, xem lễ hội trên sông. Tham quan nhà thờ Chúa cứu thế, dạo thuyền ở Saint Petersburg.
Ngày 6: Tham quan khu vườn Mùa Hè vừa được trùng tu từ năm 2014, quần thể nhà thờ Thánh Peter và pháo đài Paul bên sông Neva, tham quan lần 2 cung điện Mùa Đông cùng quảng trường với cây cột 700 tấn.
Ngày 7: Tham quan ngoại ô với cung điện Mùa Thu ở thành phố Puskin, cung điện Mùa Hè và vịnh Phần Lan. Lên tàu hỏa đi Petrozavodsk. Ngủ đêm trên tàu.
Ngày 8: Đến Petrozavodsk. Về khách sạn gửi hành lý. Ra bến tàu mua vé đi Kizhi. Tham quan đảo Kizhi 4 giờ. Về lại hotel tự nấu ăn.
Ngày 9: Ra ga mua vé tàu đi Murmansk. Đợi 2 giờ để đi chuyến 10h30. Nghỉ đêm trên tàu.
Ngày 10: Đến Murmansk. Mua vé tàu về lại Moscow và Yaroslavl. Về khách sạn nhận phòng. Chiều tham quan tượng người lính Alyosha nổi tiếng nằm trên đỉnh đồi có hướng nhìn toàn cảnh cảng Murmansk. Nghỉ đêm tại đây.
Ngày 11: Nghỉ ngơi buổi sáng. Tham quan tàu phá băng Lenin. Về lại Moscow bằng tàu lửa chạy 35 tiếng. Nghỉ đêm trên tàu.
Ngày 12: Ở trên tàu.
Ngày 13: Đến Moscow, di chuyển đến ga chuyên đi Yaroslavl cách đó 200 mét. Đi 3 tiếng bằng tàu cao tốc đến với Yaroslavl. Đến Yaroslavl, dạo thành phố về đêm.
Ngày 14: Đi bộ ra bến thuyền mua vé dạo sông Volga. Đi bộ tham quan tất cả các nhà thờ nằm trong khu trung tâm lịch sử của thành phố được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngắm hoàng hôn trên sông Volga. Thư giãn ở phố đi bộ, nghe nhạc và thưởng thức bia địa phương.
Ngày 15: Ngắm bình minh trên sông Volga, mua sắm một số đồ lưu niệm. Về hotel dọn hành lý để ra ga về lại Moscow lúc 11h35. Đến Moscow, đi tàu điệm ngầm ra ga tàu lửa để về Tambov.
Ngày 16: Sáng sớm về đến Tambov.
Với lộ trình trên, tôi tham quan được những điểm du lịch hàng đầu của Nga cùng với các công trình kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bạn có thể đi thuyền dạo trên những con sông nên thơ cùng cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của Nga. Tôi nghĩ lộ trình này thích hợp vừa tham quan khám phá vừa được trải nghiệm của các bạn có nhu cầu đi du lịch bụi như tôi.

Tất nhiên lộ trình của Tôi đi quen ở Moscow rồi nên sẽ lộn về để đi tàu về Tambov, các bạn ở thành phố khác tự điều chỉnh cho phù hợp nhé.

2. Khách sạn
Hệ thống hotel ở Nga được đánh giá đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch bụi, ngoại trừ chuyện nhân viên giao tiếp bằng tiếng Anh hơi kém (tất nhiên là đối với mấy bạn mới sang thì hay sử dụng tiếng Anh thôi). Ở Moscow, tôi đặt được khách sạn Privet. Nhân viên của họ rất thân thiện và luôn đứng quảng bá cho dịch vụ của mình trước cửa khách sạn.
Hệ thống giường trong khách sạn của Nga khá kín đáo. Mỗi gường đều có rèm che các bên để thuận tiện việc riêng tư của khách. Hệ thống tủ riêng cũng lớn, giúp khách du lịch có thể bỏ được ba lô hay vali cồng kềnh.
Hầu như khách sạn nào cũng có đèn ngủ và ổ cắm điện cho từng giường. Tôi cũng đánh giá cao sự sạch sẽ trong phòng ngủ cũng như trong nhà vệ sinh. Bạn cũng sẽ được trang bị Internet miễn phí trong phòng, sử dụng bếp và một số nguyên vật liệu nấu ăn miễn phí. Tủ lạnh và lò vi sóng cũng được trang bị trong nhà bếp. Tất cả các hotel tôi ngủ đều có máy giặt, bàn là cho khách sử dụng. Tuy nhiên, bạn phải xem dịch vụ này có miễn phí hay không.
Một vấn đề bạn lưu ý khi đặt phòng là xem tỷ lệ đánh giá của khách du lịch như thế nào (tôi thường chọn là từ 8,5/10 điểm trở lên). Bạn nên xem nơi bạn dự định đặt có gần ga tàu điện ngầm, tàu hỏa, khu mua sắm, siêu thị, điểm tham quan trong thành phố hay dịch vụ cho gởi hành lý ở khách sạn hay không.
Bạn đừng quá lo lắng về chi phí khách rạn vì giá khá rẻ. Rất đông khách du lịch nội địa tự túc của Nga ở đây. Họ có thể là học sinh, sinh viên, làm việc ngắn hạn và khách gia đình đi nghỉ mát. Vì thế chi phí phù hợp cho khách nội địa. Bạn có thể dễ dàng tìm 1 giường trong phòng ngủ tập thể với giá 5-7 USD, một giá khá rẻ ở châu Âu. Đa số nơi tôi ở đều có giá từ 8-10 USD, vì tôi thường chọn những khách sạn ngay trung tâm thành phố.

3. Phương tiện vận chuyển
Nước Nga quá rộng lớn, vì thế nếu bạn có ít thời gian thì hãy lựa chọn máy bay với hệ thống bán vé trên Internet nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý việc xuất phát từ sân bay nào. Ví dụ Moscow có 3 sân bay quốc tế ở các hướng khác nhau là Domodedovo, Sheremetyevo, Vnukovo.
Tàu hỏa là phương tiện vận chuyển hiệu quả khi tiền không quá rủng rỉnh, và bạn có thời gian. Tàu hỏa của Nga cũng có rất nhiều loại như tàu thường, tàu cao tốc. Mỗi loại có nhiều hạng ghế khác nhau. Hạng 1 là khoang có 2 giường, trang bị tiện nghi rất tốt. Hạng 2 là khoang 4 giường, đây là hạng thường dành cho khách đi tour với dịch vụ tương đối tốt. Hạng 3 là khoang có 6 giường, đây là hạng mà tôi sử dụng trong suốt chuyến đi. Hạng 4 là khoang chỉ có ghế ngồi, thường dành cho khách đi những chuyến ngắn dưới 8 tiếng. Giá cả cũng sẽ chênh lệnh khá lớn cho từng hạng ghế.

Tàu hỏa loại thường ở Nga khi tôi đi ở khoang hạng 2 và 3 không được phục vụ ăn uống. Trên tàu có bán thức ăn, và mỗi khoang đều có máy nước nóng để khách tự nấu mì gói hay pha cà phê. Vì vậy, nếu đi tàu đêm hoặc dài ngày, bạn nên mua trước một số thức ăn mang lên tàu, sẽ tiết kiệm được một ít tiền.
Hệ thống giao thông công cộng ở Nga rất tốt, đặc biệt là metro ở các thành phố lớn. Ở Moscow, bạn có thể sẽ tiết kiệm hơn khi mua vé nhiều lần thay vì chỉ mua từng lần sử dụng. Ví dụ một lần sử dụng có giá 50 rúp, nhưng tôi mua 5 lần chỉ phải trả có 180 rúp. (thời điểm đi là năm 2015 nhé)
Bạn cũng có thể sử dụng hệ thống xe bus hoặc xe điện giá cũng khá rẻ, với khoảng từ 22-15 rúp cho các tuyến khác nhau. Taxi tương đối đắt đối với khách du lịch bụi nên nếu không thật sự cần thiết, bạn không nên sử dụng phương tiện này.
Một lưu ý rất quan trọng là hầu như tất cả các trạm ga xe lửa ở Moscow đều có hệ thống metro gần kề đi kèm.
Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ được thỏa thích tham quan những nơi mình yêu thích, điều này được xem là lý do chính cho những người thích đi du lịch tự túc hơn mua tour có sẵn.

4. Đổi tiền
Nga chỉ sử dụng tiền rúp, và du học sinh Việt Nam chúng ta thường trữ tiền Đô la nên chắc chắn là phải đi đổi rồi. Nếu bạn đi máy bay, chỉ nên đổi một ít ở sân bay, vì tỷ giá khá thấp. Việc đổi ngoại tệ ở Nga rất dễ dàng. Bạn có thể thấy hầu hết các ngân hàng trưng bày tỷ giá ở khắp nơi, và hãy so sánh khi đổi. Cũng có một số điểm đổi ngoại tệ tư nhân ở trung tâm thành phố hay gần điểm tham quan tỷ giá còn tốt hơn cho khách du lịch bụi. Cái này thì hơi thừa cho các bạn những mình cũng chia sẻ cho các bạn mới sang nhỡ cần, thời điểm hiện tại 1$ = 56rub nhé.

5. Chi phí ăn uống chấp nhận được
Bạn sẽ tốn khoảng khoảng 250-300 rúp cho một bữa ăn ở KFC hoặc McDonald’s. Còn nếu bạn muốn trở thành một người Nga thật sự thì thêm ly by tươi khoảng 80-120 rúp. Tôi thường nấu ăn trong khách sạn nên chi phí sẽ tiết kiệm gần phân nửa so với việc ăn ở ngoài. Đồng rúp xuống giá so với đồng USD cũng là một lợi thế cho sinh viên đi du lịch vào thời điểm này.

6. Chi phí tham quan phù hợp
Các điểm tham quan hầu như đều bán vé, có nhiều loại giá cho các đối tượng khác nhau như khách người lớn, khách là sinh viên hay những người về hưu, khách là trẻ em. (chú ý các điểm tham qua đa số có giảm giá cho các bạn có thẻ sinh viên nhé)
Trong một điểm tham quan cũng có rất nhiều dịch vụ thêm, bạn phải mua vé nếu muốn sử dụng. Ví dụ, ở nhà thờ Thánh Issac ở Saint Petersburg, nếu bạn muốn lên tháp chuông để ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao thì phải mua thêm vé này. Vé dành cho sinh viên thường rẻ hơn 50% so với vé người lớn.
Một số nơi còn miễn phí cho sinh viên như cung điện Mùa Đông Hemintage. Đây cũng là lý do vì sao tôi đến Hemintage 2 lần để có thể thỏa sức ngắm nhìn sự đồ sộ của các hiện vật ở đây. Một lưu ý nhỏ là bạn có thể tốn một ít tiền chi phí cho việc chụp ảnh bên trong một số nhà thờ hay bảo tàng, thường là 100 rúp.

7. Hệ thống gửi hành lý ở các điểm tham quan và ga tàu lửa rất tiện lợi
Khi đi du lịch một mình hoặc đoàn ít người, điều bạn quan tâm nhất là hành lý sẽ được gửi ở đâu. Hầu hết các điểm tham quan như bảo tàng, cung điện đều có dịch vụ giữ hành lý miễn phí cho du khách. Vì vậy, bạn an tâm và thoải mái khi không cần phải khệ nệ mang theo suốt quá trình tham quan. Ở các ga tàu lửa, sân bay cũng đều có dịch vụ này và giá cả chấp nhận được. Ví dụ, một lần gửi hành lý ở ga tàu lửa là 170 rúp/kiện/ngày.

8. Mua đồ lưu niệm
Đây cũng là điều thú vị của khách du lịch khi mang về nhà những sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Ở Nga, hệ thống các nơi bán hàng lưu niệm cho khách du lịch khá nhiều. Bạn có thể mua bên ngoài các điểm tham quan, trong bảo tàng, nhà thờ, cung điện, ga metro, ga tàu hỏa… chi phí tương đối rẻ như nhau. Nếu bạn mua ở các cửa hàng lưu niệm ở sân bay, phố trung tâm hay trung tâm mua sắm thì giá sẽ cao đôi chút. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, bạn nên mua ở bên ngoài của cung điện Mùa Thu, nơi có giá hàng hóa lưu niệm rẻ nhất và có thể thương lượng chút ít so với các nơi khác trong chương trình tôi đi qua.

9. Thời tiết mùa hè rất dễ chịu
Các bạn sinh viên ở xứ nhiệt đới như Việt Nam thường rất ngao ngán qua Nga vì thời tiết. Moscow vào mùa đông và mùa xuân nhiệt độ có thể xuống âm vài chục độ C là chuyện bình thường, và một số điểm tham quan không hoạt động.
Thời gian hè hoặc chớm thu sẽ thích hợp hơn đối với chúng ta. Tôi đi giữa cuối tháng 7, trời trong xanh và một số nơi ở phía Bắc, lá bắt đầu chuyển vàng tuyệt đẹp. Nhiệt độ dao động khoảng từ 15-25 độ C, một số nơi ban đêm có thể xuống đến 10 độ nhưng vẫn thích hợp cho sinh viên du lịch bụi khi không phải mang vác đồ lạnh cồng kềnh.

10. Bạn sẽ được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ các cụ già người Nga
Bạn sẽ ít gặp những ánh mắt tò mò của người địa phương với khách du lịch nước ngoài như các quốc gia Trung Á và Trung Đông khác. Điều này đối với tôi là một sự dễ chịu. Và sẽ không ít lần những người Nga đoán trúng tôi là người Việt.(Đa số người Nga tầng lớp trẻ không biết Việt Nam chỉ quy chung Châu Á là người Trung Quốc )
Đời sống của Nga ngày càng phát triển. Giới trẻ Nga tất bật với công việc nên đôi khi bạn sẽ thấy họ thờ ơ hoặc không nhiệt tình giúp đỡ du khách. Tuy nhiên, những bà cụ, ông cụ người Nga vẫn rất tốt bụng, nhiệt tình và hồn hậu. Họ sẽ tận tình giúp đỡ bằng được kể cả khi ngôn ngữ giữa họ và bạn thật sự là một rào cản lớn, tất nhiên với vốn tiếng Nga tầm 2 năm ở Nga thì Bạn khỏi lo nhé. Bạn sẽ không phải lo lắng khi cần sự giúp đỡ, vì những người như thế vẫn hiện diện trong một xã hội phát triển như nước Nga ngày nay.
Liệu rằng Nga có an toàn không cho sinh viên Việt Nam du lịch Bụi?
Câu trả lời là có. Ngay cả ở những quốc gia giàu có phương Tây, tình trạng an ninh trật tự cũng là vấn đề ở mọi nơi chứ không riêng gì Nga, nếu bạn không tự trang bị những kỹ năng bảo vệ cần thiết.
Ở Nga, hiện nay sự phân hóa giàu nghèo khá rõ rệt, vì thế xã hội sẽ phát sinh những hệ lụy nhất định như tình trạng nhập cư trái phép, ăn xin, bạo lực…
Người Nga cũng thường sử dụng rượu bia kể cả trong những bữa ăn hàng ngày. Bạn sẽ không ít lần ngửi thấy mùi bia rượu trong thang máy hay trong toa xe điện ngầm. Hay bạn sẽ thấy rất nhiều người say khướt vào những buổi sáng và không ít lần họ ẩu đả với nhau trên phố. Là sinh viên nước ngoài lại từ thành phố khác đến, bạn nên tránh xa họ không chỉ ở Nga mà ở các nước Bắc Âu khác – nơi được xem là ít tội phạm nhất trên thế giới.
Bạn không nên đi một mình những chỗ vắng vẻ, không tự ý bắt chuyện với người lạ… là những kỹ năng sống cần thiết khi đi phượt bụi một mình. Trước khi đi, tôi cũng thường đọc những thông tin về nạn phân biệt chủng tộc của những băng “đầu trọc” ở Nga, hay sự kỳ thị của người Nga về vấn đề giới tính. Nhưng những điều này không xảy ra trong chuyến đi của tôi, chỉ có sự giúp đỡ nhiệt tình của những người Nga lớn tuổi và họ đoán được tôi đến từ Việt Nam.

11. Bạn sẽ tốn bao nhiêu chi phí cho chuyến du lịch Bụi như tôi?
Bạn thử tính cùng tôi chi phí mà tôi đã trải nghiệm qua 16 ngày ở Nga
– Vé tàu hỏa hạng 3 và 4 cho cả lộ trình đi phượt: 250 USD (vé nên mua trước 1 tuần sẽ dễ mua và rẻ hơn, bao gồm cả lộ trình đi từ Tambov lên Mos rồi nhé). Website mua vé tàu: https://pass.rzd.ru
– Lưu trú: 80 USD cho 8 đêm. (phòng dạng 6 người /1 phòng). Website đặt khách sạn: booking.com hoặc của Nga http://russianasha.ru
– Ăn uống: 150 USD/1 người (đoàn 5 người ăn chia nhau nên rẻ hơn)
– Tham quan: 50 USD (do tôi sử dụng thẻ sinh viên).
– Hàng lưu niệm: 42 USD.
– Phí giặt ủi: 7 USD.
– Vé metro, buýt, xe điện: 30 USD.
– Các chi phí khác như vệ sinh, gửi hành lý ở ga tàu hỏa: 9 USD.
Tổng chi phí là 538 USD (khoảng 12 triệu đồng).

Tất nhiên nếu các bạn đi ít điểm hơn và ngắn ngày hơn thì còn rẻ nữa nhé

Hiện nay, một tour du lịch 10 ngày tới Nga thường ở mức 2.000 – 2.500 USD, tất nhiên khách sẽ hưởng một số dịch vụ tốt như khách sạn từ 3 – 4 sao, tàu lửa hạng 2 hoặc sử dụng vé máy bay nội địa.
Nhưng nếu đi tự túc chúng ta sẽ được thỏa thích tham quan những nơi mình yêu thích. Điều này được xem là lý do chính cho những người thích đi du lịch tự túc hơn mua tour từ các công ty lữ hành. Nếu bạn sinh viên học tại Nga, chưa có dự định gì cho mùa hè này và là người thích xê dịch, thì phượt “Bụi” tới các thành phố ở Nga là lựa chọn tuyệt vời và đầy ý nghĩa cho kỳ nghỉ hè sắp tới của mình đấy.

Đấy nhé việc của Tôi là chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm phượt “Bụi” giá rẻ của mình, việc còn lại của các Bạn chỉ là rủ đứa cùng phòng đang ngồi ôm máy tính luyện phim Hàn ngay sau khi đọc xong bài này cùng xách ba lô lên và đi thôi.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.