27 tuổi có quá già để xin Học bổng Du học ?

2

Học bổng Nga gần đây đã nhận được một số câu hỏi như “Liệu việc xin cấp Học bổng, hay Du học ở tuổi 27 có phải là quá muộn?” và câu trả lời là hoàn toàn không! Tại môi trường Đại học ở nước ngoài, không có giới hạn nào cho độ tuổi đầu vào nên bạn vẫn có thể nhập học khi đã 27, 30, thậm chí là 40 tuổi! Tất nhiên, việc xin Học bổng ở độ tuổi 30 cho hệ Đại học sẽ có nhiều khó khăn hơn so với hệ Thạc sĩ.

Không bao giờ là quá muộn

Ở nước ngoài, nhất là bậc học thạc sĩ và tiến sĩ, bên cạnh lớp sinh viên học lên thẳng từ Cử nhân là những sinh viên đã từng ngắt quãng việc học để đi làm, thậm chí có người đã “lên chức” cha, mẹ. Chị Hải Hà, cựu sinh viên thạc sĩ ngành Kế toán đã chọn đi học thạc sĩ sau nhiều năm làm giảng viên ở một trường Đại học trong nước.

Trong chương trình Cử nhân chuyên ngành Truyền thông công, người viết bài đã được học cùng lớp với hai tiền bối. Trong đó có một người đã là cô giáo tiếng Tây Ban Nha và muốn học thêm ngành Truyền thông để đổi nghề, người còn lại là công nhân viên chức của đặc khu hành chính Mayotte (vùng thuộc Pháp) đã 38 tuổi nhưng vẫn cùng vợ con sang Nga du học. Mục đích của người “bạn” này sau chương trình học là để xin chuyển công tác ở ủy ban tỉnh sau khi trở về nước.

Trên thực tế, trong các điều kiện tuyển sinh ở các chương trình đào tạo Thạc sĩ (phổ biến nhất là các chương trình MBA), bạn sẽ được yêu cầu phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan để được nhận vào học. Hay, đối với các chương trình học bổng cũng vậy. Nếu có kinh nghiệm đi làm, thể hiện được nguyện vọng cũng như hoạch định rõ mục đích học tập, thì khả năng được cấp học bổng của bạn cũng sẽ cao hơn. Mà nếu không có tuổi đời, thì đào đâu ra kinh nghiệm để “làm đẹp” cho CV xin nhập học của bạn, phải không?

Những điểm cộng của việc du học sau tuổi 27

Một khi đã có kinh nghiệm “thương trường”, bạn sẽ đi học với một cái đầu thực tế hơn, ít bị chi phối hoàn toàn bởi lí thuyết sách vở. Chính những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có được cách nhìn nhận khác biệt so với các “em cùng lớp” trong việc viết luận, thuyết trình, làm bài tập… Có sự chú tâm, sàng lọc nội dung và biết cách so sánh giữa thực tế với lí thuyết sẽ giúp bạn sàng lọc được đâu là thứ có ích, và những kiến thức nào chỉ mang tính “minh họa” mà thôi.

Mặt khác, những người đi làm cũng sẽ có sự tự tin và khả năng ngôn ngữ nhất định (đặc biệt là những ai đã đi làm ở công ty nước ngoài), và hai điều này là vô cùng hữu ích cho việc đào sâu phát biểu trong giờ học.
Hơn nữa, ở tuổi này, bạn sẽ có tính tự chủ cao hơn, chú tâm hơn vào việc học và ít bị xao nhãng bởi những cuộc vui. Đơn giản vì bạn đã từng “nếm” qua những trò vui đó rồi và cũng hiểu rất rõ giá trị của tiền của, thời gian để học hành một cách nghiêm túc.

Nhưng, vẫn sẽ có những chữ nhưng

Có lẽ vấn đề lăn tăn nhất của những người có kế hoạch du học muộn là vấn đề gia đình. Ở Việt Nam, 27, 30 tuổi là lứa tuổi của việc lập gia đình, sinh con đẻ cái. Vì thế, bạn cần sớm tìm cho mình những đồng thuận từ phía gia đình (nội ngoại hai bên, vợ chồng, con cái) để chắc chắn về quyết định du học. Về chuyện học, việc bị ngắt đoạn một quãng thời gian cho công việc nên có lẽ bạn đã ít nhiều quên các phương pháp học tập. Cứ yên tâm là chỉ cần một khoảng thời gian “lấy lại phong độ”, bạn sẽ vượt qua vấn đề này dễ dàng, vì dù thế nào đi nữa bạn cũng đã từng là sinh viên mà, phải không?

Cuối cùng còn một vấn đề khá phổ biến nữa là việc tận hưởng cuộc sống sinh viên bản địa. Dẫu biết bạn đang có rất nhiều áp lực tài chính và cá nhân (chuyện gia đình, con cái…) hay khác biệt tuổi tác với bạn bè ở lớp, nhưng hãy cố gắng dẹp tất cả nỗi lo đó qua một bên để tận hưởng những cơ hội khám phá, du lịch mà cuộc sống du học mang lại. Chỉ khi đã thực sự sống và du học với một niềm yêu thích trọn vẹn thì bạn mới học với toàn bộ năng lượng và không phải nuối tiếc khi trở về nước.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.