Đơn giản vì tiền mặt chỉ là một trong rất nhiều phương án thanh toán phổ biến, cùng với các lựa chọn quẹt thẻ, ký séc hay ngân hàng trực tuyến.
Trả bằng thẻ ATM
Việc trả tiền bằng hình thức quẹt thẻ đã bắt đầu nở rộ ở các cửa hàng lớn tại Việt Nam, tuy nhiên ở nước ngoài bạn sẽ được quẹt thẻ ngay ở những cửa hàng nhỏ, khi đi chợ mua tôm cá hay đi mua áo quần ở các cửa hàng… Nơi nơi đều áp dụng hình thức thanh toán này nên việc kè kè hàng đống tiền mặt bên người là điều không hề tiện lợi. Tất nhiên cũng có một số lưu ý khi thanh toán bằng card đó là một số cửa hàng chỉ áp dụng hình thức này khi số tiền vượt qua một mức định sẵn. Chẳng hạn như ở Pháp, các cửa hàng bán báo chỉ nhận trả bằng card với số tiền 15 euros trở lên, hay tại các nhà hàng, số tiền này có thể là 20 euros.
Lưu ý là đối với những loại thẻ như VISA, bạn cần phải mang theo hộ chiếu hay một giấy tờ tùy thân bên cạnh vì loại thẻ này cần phải được ký hóa đơn sau khi thanh toán và người có tên trên thẻ nhất thiết phải là chính bạn. Còn nữa, khi lập tài khoản, nhân viên ngân hàng sẽ hỏi bạn có muốn dùng dịch vụ xài âm tài khoản không. Nếu gật đầu, bạn sẽ được xài quá một mức quy định (ví dụ 150 euros hay 200 euros/tháng), cho phép bạn có một khoản tiền “vượt ngưỡng” khi cần. Tất nhiên, nếu xài nhiều hơn cả mức âm cho phép, bạn sẽ bị phạt tiền! Nếu là một người có tư tưởng “sáng xả láng, tối ăn khoai” thì tốt nhất là đừng nên chọn dịch vụ này!
Trực tuyến
Với việc mở dịch vụ ngân hàng điện tử, bạn sẽ quản lý được tài khoản của mình ở bất kì đâu có Internet. Một số ngân hàng còn phát triển cả ứng dụng (apps) trên điện thoại thông minh. Với dịch vụ này, bạn sẽ không phải mất công đi tìm quầy ATM hoặc đến chi nhánh ngân hàng chỉ để kiếm tra xem số tiền trong thẻ còn bao nhiêu. Nếu muốn trả tiền cho một ai đó, bạn cũng chỉ cần thao tác chuyển khoản trực tuyến là số tiền sẽ được gửi đi tức thì. Xác nhận chuyển khoản sau đó còn được chuyển về email của bạn. Việc cho phép thanh toán trên mạng cũng giúp việc mua sắm của bạn thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là với những món đồ không phải lúc nào bạn cũng mua được ở các cửa hàng (sách báo, đồ công nghệ…)
Tưởng tượng nếu người chủ cho thuê nhà ở tại một thành phố khác thì đây hẳn là phương thức trả tiền thuận lợi nhất. Khi đó, bạn cũng có thể thiết lập một lệnh chuyển khoản thường xuyên (chẳng hạn hàng tháng) cho một tài khoản đã được lưu sẵn, hoặc cũng có thể thiết lập lệnh chuyển khoản hàng tháng vào tài khoản tiết kiệm của chính mình. Tất nhiên chẳng có dịch vụ nào là “cho không biếu không”, vì thế bạn nhớ hỏi han nhân viên ngân hàng sao cho thật kĩ lưỡng trước khi đặt bút ký vào điều khoản này. Những thắc mắc cần lời giải đáp là chi phí cho dịch vụ này ra sao, bạn có tốn phí khi chuyển khoản cho các tài khoản khác ngân hàng không…
Ký séc
Ở Việt Nam, việc ký séc có lẽ sẽ khiến bạn nghĩ đến những phi vụ giao dịch tiền tỷ, nhưng ở các nước có hệ thống ngân hàng phát triển cao thì đây lại là một phương thức thanh toán hoàn toàn bình dân. Đây là phương tiện chi trả hầu hết trong thanh toán nội địa. Cũng như thẻ ATM hay ngân hàng trực tuyến, một khi ký séc nghĩa là bạn đã đưa ra một lệnh thanh toán từ tài khoản của mình. Số tiền được ghi trên séc sẽ được chuyển vào tài khoản của tên người nhận ngay khi người này trình tờ séc lên ngân hàng của họ.
Vì người nhận không nhất thiết phải trình séc ngay lập tức (tất nhiên vẫn có thời hạn hiệu lực quy định, chẳng hạn như 6 tháng hay một năm) nên nhiều du học sinh vẫn tự “thỏa thuận” với nhau. Khi trả nợ nhau, họ có thể “phím” trước với người kia, ví dụ như: “khi nào tớ đã có tiền trong tài khoản thì cậu hãy nộp séc lên ngân hàng sau nhé!”
Một tấm séc chỉ có giá trị khi nó được điền đủ các thông tin họ tên người nhận, số tiền, ngày tháng ký séc và có chữ ký của người chủ séc. Cũng như ATM, các cửa hàng sẽ có quy định cụ thể về mức hóa đơn tối thiểu được chi trả bằng séc. Họ có quyền từ chối không nhận séc và điều này thường được ghi rõ ràng ở các quầy thanh toán.