Ở chung nhà với người bản xứ là phương án chỗ ở gây nên nhiều tranh cãi nhất. Có người thấy lựa chọn này thân thiện, có kẻ lại thấy nó quá mất tự do. Thử xem lí lẽ của họ thế nào nhé!
1. Được: Tiết kiệm chi phí
Một trong những nhân tố thu hút của hình thứ homestay là chi phí, vì nó thường rẻ hơn so với việc tự thuê nhà riêng với hàng đống chi phí phải tự chi trả (điện, nước, Internet, thuế đất…) Việc được ăn cùng và giặt rửa cùng với chủ nhà cũng sẽ “đỡ” cho bạn các khoản bột giặt, nước rửa chén, chén dĩa… Tùy theo thoả thuận giữa hai bên mà bạn có thể chọn số bữa ăn muốn dùng cùng họ, và kinh nghiệm là càng nhiều buổi ăn chung thì khoản tiết kiệm càng lớn.
2. Được: Đắm chìm trong văn hoá bản địa
Việc chia nhà chung với dân bản địa sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm thực sự chân thật. Chủ nhà sẽ nấu ăn, mời bạn cùng tham gia những sự kiện trọng đại (lễ tiệc, sinh nhật, cưới hỏi, đi nghỉ…) và đưa bạn đến những địa điểm thú vị. Đặc biệt, gia đình chủ nhà cũng sẽ mang đến cho bạn những lời khuyên hữu ích, giúp bạn hoà nhập nhanh chóng hơn với môi trường mới.
3. Được: Phát triển khả năng ngôn ngữ
Nếu ở chung nhà với bạn bè nước ngoài, có thể bạn sẽ sử dụng tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ quốc tế phổ biến nào đó, thay vì dùng ngôn ngữ bản địa. Trong khi đó, nếu ở chung nhà với người bản xứ, bạn sẽ buộc phải giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ, với nhiều cấp bậc lưu loát khác nhau. Chính vì thế, bạn sẽ được thực hành ngôn ngữ đó hàng ngày, giúp bạn thành thạo nhanh hơn. Bản thân người viết cũng công nhận điều này. Trong suốt 4 năm du học tại Liên bang Nga, tớ chẳng được sử dụng vốn tiếng Nga ít ỏi của mình vì chẳng biết dùng để nói với ai, khi mà cả hai cô bạn chia nhà chung đều là sinh viên quốc tế không biết nói ngôn ngữ bản địa.
4. Được: Cũng là nhà, nhưng ở một nơi xa
Một trong những vấn đề lớn nhất khi đi du học là phải đối mặt với cuộc sống xa nhà. Thế nên, việc sống cùng với một gia đình sẽ giúp bạn đỡ thấy cô độc hơn, mang lại cho bạn không khí gia đình và cảm giác được quan tâm mỗi ngày. Cô chủ nhà có thể sẽ lo lắng khi bạn đi chơi về nhà quá trễ hoặc mỗi khi bạn đau ốm chẳng hạn.
5. Mất: Nhập gia tuỳ tục
Mỗi gia đình sẽ có những quy tắc khác biệt và cách duy nhất là bạn chỉ có thể tuân theo phong cách sống của họ. Đó có thể là giờ “giới nghiêm” mà họ muốn bạn phải có mặt ở nhà, là nơi sắp đặt các dụng cụ trong bếp mà bạn cần ghi nhớ (chứ không thể hỏi đi hỏi lại nhiều lần được) hay một số quy tắc ngầm mà chỉ khi đã sống chung với họ thì bạn mới hay. Kinh nghiệm là hãy quan sát mọi thứ, hỏi mọi người khi cần thiết và cố gắng đừng phớt lờ những quy tắc mà gia đình họ vẫn luôn tuân theo.
6. Mất: Thiếu thốn tự do
Khi sống với gia chủ bạn sẽ không được vẫy vùng như những bạn bè khác. Riêng việc phải “báo cáo” với chủ nhà về việc về trễ hoặc qua đêm ở ngoài, hoặc hạn chế mời bạn bè về nhà tiệc tùng, có lẽ cũng sẽ khiến bạn thấy không thoải mái. Thường thì những ngôi nhà nhận tiếp đón sinh viên cũng đặt xa khu trung tâm hơn và cũng bất tiện hơn cho bạn trong việc đi lại.
7. Mất: Cảm thấy phụ thuộc
Với những ai không thích sự gò bó, quy tắc thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy ít nhiều bị phụ thuộc vào chủ nhà. Ví dụ: có thể bạn sẽ có phòng riêng, nhưng lại không được tuỳ ý trang trí, thành ra không gian sống cũng không thể 100% mang phong cách của bạn. Đối với những bạn tìm kiếm cơ hội để tự lập trong việc chi tiêu, quản lý cuộc sống (tắm giặt, nấu ăn, mua sắm dụng cụ trong nhà…) thì đây cũng không phải là phương án ở trọ hấp dẫn nhất.
8. Một số câu hỏi cần tự trả lời trước khi quyết định
- Bạn có muốn sống chung với một ai đó không?
- Việc khá phá văn hoá bản địa, phát triển ngôn ngữ bản địa
- Liệu bạn có thấy thoải mái khi sống trong nhà một ai khác?
- Bạn có thích được ai đó hướng dẫn, chia sẻ bí quyết sống hay dẫn đi tham quan khắp nơi?
- Liệu bạn có thể tuân theo các quy định do gia đình chủ nhà đưa ra?