Thiết kế nội thất không đơn thuần là chọn lựa loại gạch hay màu sơn tường – ngành học này còn đòi hỏi ở bạn rất nhiều kĩ năng khác nữa. Đây là một ngành nghề gắn nhiều đến việc mang lại tính thẩm mỹ cho môi trường sống, làm việc sao cho phù hợp với nhu cầu của chủ công trình. Công việc này nhằm tạo nên sự hài hòa về chức năng sử dụng và tính hiệu quả của không gian sống và nhất là tính thẩm mỹ trong thiết kế.
Chi tiết ngành Thiết kế nội thất
Khi theo học ngành này, bạn sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết cho quá trình tư vấn, thiết kế, thi công nội thất: Vật liệu, Lịch sử ngành nội thất, Vẽ, Màu, Thiết kế 3D, Quản lý, Phối cảnh… Ngành thiết kế nội thất thường đứng trong chuyên ngành Trang trí nội ngoại thất, thuộc khoa Mỹ thuật công nghiệp ở các trường Đại học trong nước. Còn ở nước ngoài, ngành này thương được xếp trong các nhóm ngành Nghệ thuật sáng tạo và thiết kế. Ở bậc Cử nhân ngành nội thất, bạn có thể chọn theo học các khóa Cử nhân Mỹ thuật, Cử nhân Nghệ thuật và thiết kế hay Cử nhân Kiến trúc và thiết kế nội thất – tùy theo cấu trúc của các trường. Bậc Thạc sĩ ngành nội thất thường đi sâu hơn vào chuyên ngành nên tên gọi của các chương trình này cũng thường “trọng tâm” hơn: Thạc sĩ thiết kế nội thất.
Cơ hội việc làm sau khi ra trường
Sinh viên tốt nghiệp Thiết kế nội thất có thể đi theo hướng sư phạm, đi dạy tại các trường chuyên ngành hoặc tham gia vào các sở ban ngành thuộc “lĩnh vực” quy hoạch, kiến trúc, tài nguyên môi trường. Hoặc không, nhiều bạn cũng đã chọn đầu quân cho các công ty nước ngoài trong lĩnh vực để đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị tài chính cho những kế hoạch cá nhân về sau, chẳng hạn như lập công ty riêng hay thậm chí là học lên cao và sâu hơn. Tất nhiên bốn từ “thiết kế nội thất” không chỉ gói gọn trong không gian nhà ở mà còn được mở rộng ra không gian làm việc (văn phòng, công ty, showroom, bệnh viện) hoặc các cửa hàng (nhà hàng, café, shop áo quần…) vốn là “mảnh đất” vô cùng màu mỡ cho giới thiết kế nội thất tại Việt Nam mấy năm gần đây.
Làm sao để trở thành một NTK nội thất giỏi?
Để trở thành một nhà thiết kế nội thất giỏi, bạn sẽ phải cần một cái đầu kinh doanh cùng rất nhiều trí sáng tạo. Một công trình thành công không có nghĩa là nó mang đậm dấu ấn của bạn mà phải đáp ứng được yêu cầu chủ nhà đặt ra, sao cho mức phí thi công phải hợp lí nhất. Thế nên mới nói, công việc của một NTK nội thất sẽ bao gồm theo các tuần tự: vẽ bản thảo, chọn vật liệu và đồ đạc, đồng thời tính toán chi phí cũng như theo sát công trình.
Trau dồi kiến thức và “bắt” cảm hứng từ bây giờ!
Ngoài kiến thức giờ lên lớp, bạn cần tìm đến các đầu sách, trang web chuyên ngành để trau dồi thêm. Nếu có thời gian, hãy thử xin làm thêm tại các cửa hàng tư vấn, kinh doanh, thiết kế nội thất để có thêm kinh nghiệm đồng thời mở rộng các mối quan hệ. Nếu được thực tập hoặc làm việc với những nhà thiết kế nước ngoài thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để tiếp xúc với một lối tư duy, cung cách làm việc chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể “follow” các kênh thông tin của những NTK tên tuổi trong giới để tham khảo những công trình của họ. Một năm trở lại đây, các tín đồ thiết kế nội thất trong nước bắt đầu biết đến tiếng tăm của NTK Thái Công, một Việt kiều Đức vốn đã lừng danh thế giới trong lĩnh vực này. Chương trình truyền hình thực tế “Cùng xây nhà mới” mà NTK Thái Công tham gia làm giám khảo cũng rất đáng theo dõi vì chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều lời khuyên quý giá. Cuối cùng, nếu có cơ hội và khả năng tài chính thì hãy mạnh dạn đầu tư cho việc du lịch. Ngay cả những quốc gia “loanh quanh” Việt Nam như Thái Lan, Singapore cũng đã có nhiều bước tiến vượt trội về thiết kế nội thất rồi, huống gì là những đất nước có nền văn hóa kiến trúc nổi trội như Liên bang Nga…