Học bổng Nga xin tặng bạn viết phân tích các vấn đề phổ biến nhất mà du học sinh thường gặp phải, đi kèm với đó là những giải pháp để bạn tham khảo.
Bạn không thích chương trình học
Nếu bạn không thích ngành học của mình thì điều trước tiên cần làm là phải đặt câu hỏi tại sao. Liệu vấn đề có phải vì bạn thực sự không thích học hay vì mọi thứ còn quá mới mẻ để bạn bắt kịp môi trường xung quanh? Tiếp đó, bạn nên sắp xếp một cuộc hẹn gặp với giáo viên hướng dẫn hoặc cố vấn viên của trường. Lời khuyên từ những người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn dễ dàng tháo gỡ rắc rối và cho bạn nhiều phương án thích hợp (đổi khóa học, đổi các nhóm môn học…) Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, bạn cũng cần thảo luận với một ai đó trước. Nếu không muốn xin lời khuyên từ các nhân viên trong trường, bạn có thể tìm đến bố mẹ mình chẳng hạn. Việc đổi ngành học hay các nhóm môn học (module) là điều rất bình thường vào đầu năm học nên bạn không nên “áy náy” với các nhân viên học vụ. Dù thế nào đi nữa bạn cũng không nên “chịu đựng” trong im lặng, bởi chỉ khi nào chọn được ngành thích hợp thì bạn mới thực sự học tốt.
Không thể hòa hợp với những người bạn chia nhà
Việc phải sống chung với những người có tính cách và văn hóa khác nhau sẽ dẫn đến một số bất đồng trong thời gian chia nhà chung. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải trở thành bạn thân với những người bạn chia nhà chung. Bạn đơn giản chỉ cần duy trì mối quan hệ tốt với họ mà thôi. Vì vậy, bạn nên đặt câu hỏi liệu bản thân đã nỗ lực trong việc tìm hiểu họ chưa, hay liệu họ có đối xử với bạn tốt như bạn đã làm với họ? Lí do chính xác khiến bạn không ưa họ là gì? Liệu có một phương án nào để cải thiện tình hình không? Sau đó, bạn hãy dành ra một cuộc nói chuyện để hai bên có thể cùng giải quyết vấn đề một cách rạch ròi và thẳng thắn nhất. Nhưng, nếu bạn thực sự không cảm thấy vui vẻ trong căn hộ của chính mình thì cách tốt nhất là tìm một chỗ ở mới. Bạn có thể liên lạc với kí túc xá để xin các phương án đổi nhà.
Rắc rối bất ngờ
Khi gia đình có việc, sức khỏe không cho phép hay các tình huống khẩn cấp khác, chắc chắn bạn sẽ không thể hoàn thành công việc ở trường một cách nhanh chóng, thậm chí đôi khi còn bị trễ hạn nộp bài (deadline)… Khi đó, việc bạn cần làm là nộp những giấy tờ chứng thực để giải thích vấn đề, sau đó nhà trường sẽ tiến hành các thủ tục xem xét cho trường hợp của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến các hội sinh viên hay các bộ phận có liên quan để tìm hiểu thông tin, xin hướng dẫn. Tất nhiên là đại diện của những nơi này sẽ không thể đoán trước được kết quả vì nhà trường mới có quyền đưa ra quyết định xem xét cuối cùng.
Vấn đề hòa nhập và kết bạn
Chính bạn là người sẽ phải tự thân vận động trong việc kết bạn ở trường và cách tốt nhất để mở rộng mạng lưới bạn bè là tham gia vào các chương trình ngoại khóa (tuần lễ nhập học, hoạt động thể thao, hội nghị….) Có rất nhiều lựa chọn về các câu lạc bộ, hoạt động phù hợp với từng cá tính. Bạn có thể chủ động đến những nơi này để tìm tới những người bạn tiềm năng có cùng sở thích giống bạn.
Bạn nhận ra Đại học không phải con đường dành cho mình
Nếu chưa đi học, bạn sẽ không thể biết việc học Đại học là một trải nghiệm ra sao. Một khi đã đi học rồi, một số người sẽ theo đuổi con đường này tới cùng, một số khác thì nhận ra đây không phải con đường dành cho họ. Không sao cả, bạn vẫn có thể đi những con đường khác – phù hợp với nguyện vọng của bản thân hơn. Tất nhiên bạn không nên rời trường Đại học nếu chưa có sự bàn bạc chín chắn với các cố vấn viên và bố mẹ. Một khi đã quyết định bỏ lại phương án học Đại học, bạn nên có phương án B dự trù. Khi đi du học, vấn đề này có thể sẽ còn rắc rối hơn vì với tư cách là một người nước ngoài, bạn sẽ không thể “muốn gì làm nấy” như khi ở trong nước. Dù bạn quyết định chuyển qua học nghề, đi du lịch, đi làm thêm… thì phương án đó phải hợp pháp và khiến bạn yêu thích.