Tạo dựng quan hệ với người bản xứ

T

Việc nắm trong tay một mối quan hệ với gia đình bản xứ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quãng thời gian du học, nhất là khi còn chập chững với cuộc sống mới.

Câu chuyện thứ nhất

Lê Vi (cựu du học sinh tại Saint Peterburgs, Nga) không hề quen biết bất cứ ai tại Saint Peterburgs trước ngày lên đường du học. Buổi chiều cận chuyến đi, nhân lần ghé thăm cô giáo dạy tiếng Nga, chính người chồng Nga của cô giáo đã chia sẻ với Lê Vi liên lạc của một người bạn cũ. Và gia đình lạ hoắc này đã cưu mang cô bạn trong cả tháng trời từ ngày cô đặt chân lên đất Nga – chở cô lên trường, cho ở ké khi chưa tìm ra nhà… Có thể xem trường hợp của Lê Vi là một sự may mắn hoàn toàn tình cờ, không hề được định liệu từ trước.

Câu chuyện thứ hai

Còn trường hợp của Đỗ Quý Dương (du học sinh tại Đại học Bách khoa Tomsk) lại khác. Vốn là người đã có kinh nghiệm hơn 6 năm làm việc trước khi du học nên lợi thế rất lớn của Dương là có thể tận dụng được những mối quan hệ với đồng nghiệp nước ngoài. Quý Dương chia sẻ: “Công việc trước đây của mình đòi hỏi mình phải có mạng lưới khi làm việc (các dịch vụ khác nhau để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn). Có lẽ từ đó mình thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của các quan hệ trong cả công việc và cuộc sống. Tuy nhiên mình cũng ý thức được việc giữ được ranh giới phù hợp trong quan hệ là một yếu tố quan trọng để các quan hệ mình có được bền vững, nhất là trong bối cảnh của một xã hội đa văn hóa như ở Tomsk. Hiện nay mình có liên lạc với một số bạn Việt Nam đang học tại đây, một số đồng nghiệp cũ từ nhiều nước nhưng đang ở Nga, kết bạn với một số bạn từ Nga và nhiều quốc gia khác nhau, và cố gẵng giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè tại Việt Nam qua Facebook, email và điện thoại”.

Ngoài ra, Dương cũng đã đọc về văn hóa Nga trước khi lên đường để có được những hiểu biết ban đầu về cá tính người Nga: “Được biết người Nga nói chung không cầu kỳ và chú ý đến thứ bậc (tuổi tác, địa vị xã hội, học vấn) khi giao tiếp. Điều này khá rõ ràng khi mình trao đổi với giáo viên và các bạn sinh viên quốc tế trong lớp và so sánh xã hội Việt Nam và một số quốc gia khác. Ở một góc độ khác, xã hội Nga hướng tới tính cá nhân và sự tự do cá nhân/độc lập được đề cao. Do đó mình cũng quan sát và điều chỉnh các thói quen giao tiếp ở trường, ngoài xã hội và bạn bè xung quanh mình để tôn trọng sự riêng tư và tính cá nhân là những giá trị của xã hội tại đây”.

Bài học cho tân Du học sinh

Câu chuyện của Lê Vi và Quý Dương tuy có sự khác nhau về hoàn cảnh, nhưng điểm chung hay nhất ở họ chính là việc đã nhìn ra được hiệu quả quan trọng của các mối quan hệ với người Nga. Đôi khi những người này sống cách xa bạn hàng trăm km và chỉ có thể hỗ trợ bạn về mặt tinh thần (ví dụ như điện thoại hỏi thăm lúc mới sang) nhưng cảm giác có một người bản xứ “hiểu vấn đề” (trường học, nhà cửa, hành chính…) kề vai sát cánh vẫn hơn là phải thui thủi một mình, đúng không? Tất nhiên không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận với người nước ngoài, nhưng điều này không hề khó khăn như bạn tưởng. Hãy thử nhìn ra và hỏi han xung quanh xem, thể nào cũng có một ai đó quen biết một ai đó sống tại đất nước mà bạn chuẩn bị du học.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động xây dựng các mối quan hệ ngay từ bây giờ, bằng cách tham gia các chương trình nhân đạo quốc tế hay nhận “host” (đón tiếp) các bạn trẻ nước ngoài đi du lịch “bụi” chẳng hạn. Đừng ép mình vào một quy tắc kết bạn nào và cũng đừng “đánh giá thấp” những mối quan hệ trên đời. Thế giới phẳng hơn bạn tưởng. Ai mà biết được ông chồng mới cưới của bác hàng xóm nhà bạn lại có ông chú dượng – chồng người cô ruột từng đi học trao đổi tại Liên Xô và vẫn “rơi rớt” trên đời đám bạn thân dân Nga chính hiệu thì sao? Nghe rối rắm phải không, nhưng yên tâm, chỉ cần bạn mở miệng ra bảo “tôi sắp đi XYZ” thì thể nào cũng có một “người lạ quen thuộc” nào đó dang tay rộng đón!

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.