Ngân hàng Trung ương Nga gia hạn các hạn chế rút ngoại tệ

N

Ngày 1/8, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã gia hạn các hạn chế rút ngoại tệ đến ngày 9/3/2023. Theo đó, người dân chỉ có thể rút tiền đã có trong tài khoản ngoại tệ trước ngày 9/3/2022, trong giới hạn 10.000 USD hoặc tương đương bằng Euro.

Thông báo của CBR cho biết, cơ quan này đã quyết định gia hạn các hạn chế được áp dụng vào đầu mùa Xuân, đối với việc phát hành ngoại tệ cho cá nhân thêm 6 tháng, cho đến ngày 9/3/2023. “Giới hạn 10.000 USD hoặc số tiền tương đương bằng Euro để rút ngoại tệ tiền mặt từ tài khoản hoặc tiền gửi ngoại tệ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 9/9 năm nay”, thông báo nêu rõ.

Ngân hàng Trung ương Nga nhắc lại rằng, chỉ những khoản tiền nhận được trên tài khoản hoặc khoản tiền gửi trước ngày 9/3/2022 mới có thể được rút bằng ngoại tệ, phần còn lại vẫn như cũ, có thể được nhận bằng đồng Rub theo tỷ giá thị trường vào ngày rút tiền.

Các hạn chế đối với việc bán ngoại tệ cho cá nhân cũng được gia hạn trong cùng thời gian, các ngân hàng chỉ có thể bán cho công dân Euro và USD nhận được tại quầy thu ngân sau ngày 9/4/2022.

Ngoài ra, các hạn chế đối với các pháp nhân cư trú trong việc nhận ngoại tệ đối với chi phí công tác sẽ vẫn còn hiệu lực cho đến ngày 9/3/2023 – không quá 5.000 USD hoặc không nhiều hơn số tiền tương đương bằng Euro, Bảng Anh và Yen Nhật.

Cơ quan quản lý giải thích sự cần thiết phải gia hạn các hạn chế do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga: Mỹ và EU đã cấm cung cấp tiền giấy bằng USD và Euro cho Nga.

Trước đó, hồi đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã thắt chặt kiểm soát việc lưu thông ngoại tệ tiền mặt trong nước. Theo quyết định của cơ quan quản lý, sẽ không thể mua ngoại tệ tiền mặt trong ngân hàng cho đến ngày 9/9 và nếu cần thiết, tiền tiết kiệm chỉ có thể được chuyển đổi thành Rub.

Theo nhà phân tích tài chính, Phó Tiến sỹ kinh tế Mikhail Belyaev, hiện đang có khái niệm về lưu thông tiền tệ nội bộ, các quy tắc tiếp cận tiền tệ trong nội bộ quốc gia. Có một quy luật kinh tế bất di bất dịch, đó là “một quốc gia – một đồng tiền quốc gia”. Do đó, trong lưu thông tiền tệ nội bộ, chỉ nên có mặt tiền tệ quốc gia trong giá cả, thanh toán, chi trả ở mọi nơi.

Dựa trên điều này, ông Mikhail Belyaev kết luận rằng, người dân hoàn toàn không cần ngoại tệ tiền mặt. Theo chuyên gia, quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga là phù hợp với việc từng bước phi đô la hóa nền kinh tế, tất cả các giao dịch phải được thực hiện bằng đồng Rub.