“Tiếng Việt tại Liên bang Nga – triển vọng và thách thức” là chủ đề buổi Tọa đàm do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức sáng 7/9 tại Moscow. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ “Ngày hội tiếng Việt” tại Liên bang Nga.
Diễn ra đồng thời trực tiếp và trực tuyến, buổi Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu tiếng Việt, các giáo viên, sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt cùng những giảng viên người Việt tại các trường Đại học của Việt Nam và các trường Đại học tại Nga.
Gần 15 bài tham luận trình bày tại buổi Tọa đàm tập trung tôn vinh tiếng Việt và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Việt, đặc biệt là cập nhật những phương pháp giảng dạy mới nhằm khơi dậy tình yêu tiếng Việt trong các em sinh viên Nga. Tham luận trực tuyến, PGS-TS Nguyễn Văn Chính – Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện tại nhà trường có gần 100 sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt và các chuyên ngành.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chính cũng chia sẻ những đặc điểm và kết quả học tập tiếng Việt của sinh viên Nga tại nhà trường: “Các sinh viên Nga theo học tại trường chúng tôi, đa số đã từng học tiếng Việt tại Nga từ 1 đến 2 năm, nên hầu hết các em đều rất yêu tiếng Việt và có một nét đặc biệt mang tính truyền thống, đó là các em đều thích được làm việc bằng tiếng Việt”.
Cũng chính bởi tính truyền thống này, phương pháp giảng dạy tiếng Việt luôn phải đổi mới. Bằng giọng nói tiếng Việt rất dễ nghe, cô Svetlana- giáo viên người Nga từng hơn 3 chục năm dạy tiếng Việt tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow cho biết một thách thức với nhà trường: “Đòi hỏi của thời đại mới là sinh viên yêu cầu rằng họ học tiếng Việt thì phải biết chỗ làm của họ sau này ở đâu, cho nên điều quan trọng hiện nay là chúng tôi phải xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường với các công ty hoặc các cơ quan nhà nước để sinh viên nắm được công việc của họ sau khi ra trường”.
Kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh ra và lớn lên tại Nga, phương pháp dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga trong các trường Đại học, rồi xu hướng mới trong việc dạy và học tiếng Việt tại các trường Đại hoc ở Nga là những nội dung được các đại biểu tập trung chia sẻ. Trong đó đáng chú ý là tham luận “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt trong môi trường không có ngôn ngữ Việt” của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh- Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con- Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” thu hút sự chú ý của những người tham dự Hội thảo với tham luận về chủ đề “Một vài chia sẻ về việc dịch thơ- hành trình lao động và cảm xúc của một người yêu tiếng Việt”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Mới đây chúng tôi đã thành lập Quỹ “Khai sáng” nhằm phát triển văn hóa giáo dục, phát triển các hoạt động nghiên cứu tiếng Nga, đặc biệt là tiếng Việt. Theo hướng này, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi dịch thuật giao tiếp chuyên nghiệp giữa các sinh viên Nga trong các trường Đại học có dạy tiếng Việt”.
Buổi tham luận đã thực sự có sức cuốn hút với đông đảo các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt, giúp các em yêu hơn tiếng Việt và văn hóa Việt- một đất nước xinh đẹp ở cách xa các em hàng nghìn km.