Tại Hội trại truyền thông quốc tế, sinh viên được học hỏi nhiều kỹ năng truyền thông từ các chuyên gia đầu ngành của Nga, cũng như trải nghiệm làm việc trong môi trường đa văn hoá. Đội thi gồm 8 sinh viên đến từ Việt Nam, Zimbabwe, Algeria và Ấn Độ đã đạt giải “Dự án tốt nhất”.
Từ ngày 20-24/6, tại thành phố Volgograd (Liên bang Nga) đã diễn ra Hội trại truyền thông quốc tế lần thứ II. Chương trình do Bộ Khoa học và Đại học Liên bang Nga tổ chức nhằm tạo điều kiện trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên Nga và quốc tế chuyên ngành báo chí và truyền thông.
Theo Ban tổ chức, hội trại thu hút sự tham gia của sinh viên đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang học tập tại 20 cơ sở giáo dục tại Nga. Đoàn Việt Nam gồm 5 sinh viên: Đặng Vũ Quỳnh Trang (Đại học Nhân văn Quốc gia Nga), Lưu Hiền Thảo (Học viện Kinh tế Quốc gia và Quản lý hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga), Trần Tuệ Minh (Viện Tiếng Nga Quốc gia mang tên A.X. Pushkin), Trần Thị Thảo Nguyên (Đại học Tổng hợp Liên bang Ural), Đoàn Thị Như Quỳnh (Đại học Tổng hợp Liên bang Ural).
Tại hội trại, sinh viên Việt Nam và quốc tế được tham dự các lớp học nâng cao kỹ năng truyền thông, như: kỹ thuật dựng video, xác minh thông tin, truyền thông xã hội… Bên cạnh đó, trại viên được chia thành nhiều đội, tham gia thử thách thực hiện phóng sự ghi lại hành trình tham dự hội trại. Đội thi gồm 8 sinh viên đến từ Việt Nam, Zimbabwe, Algeria và Ấn Độ đã đạt giải “Dự án tốt nhất”.
Trong phóng sự, các sinh viên kể về cách họ tiến hành giờ học, làm việc nhóm, giới thiệu những địa điểm gắn liền với trận đánh Stalingrad lịch sử trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại thành phố Volgograd như: khu tưởng niệm đồi Mamaev, tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi, quảng trường Anh hùng, bảo tàng Công nhân Đường sắt Volgograd…
Theo bạn Đặng Vũ Quỳnh Trang, thời gian thực hiện thử thách do Ban tổ chức đưa ra là hơn 1 ngày. Trong điều kiện thời gian có hạn, các công đoạn sản xuất phóng sự như: xây dựng ý tưởng, quay phim, dựng phim, hậu kỳ dàn dựng được triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Công đoạn quay phim diễn ra từ sáng sớm, trong giờ học và tham quan thành phố. Trong các giờ học, cả nhóm được thảo luận cùng chuyên gia để cải thiện chất lượng sản phẩm.
“Kiến thức và kỹ năng được học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông đến từ Bộ Khoa học và Đại học Liên bang Nga cùng trải nghiệm làm việc nhóm trong môi trường đa văn hoá chắc chắn sẽ giúp em rất nhiều trong công việc tương lai”, Đặng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ.
Nhóm sinh viên Việt Nam đã nhận được rất nhiều lời nhận xét tích cực từ Ban tổ chức và sinh viên quốc tế. Bà Ksenia Ilyushenkova, Cố vấn chuyên môn, đại diện BTC nhận định: “Những cô gái đến từ Việt Nam là một trong những người tham gia nhiệt tình và tích cực nhất. Họ tham gia đầy đủ các lớp học và rất thân thiện. Họ cũng nhận được rất nhiều sự quý mến từ những người tham gia khác. Tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc và hoà nhập của các bạn. Tôi rất mong có thể gặp lại họ trong các chương trình tiếp theo”.
Bạn Amiri Makhrilla đến từ Afghanistan cho biết: “Mình rất vui khi có cơ hội cùng nhóm làm việc với 3 bạn sinh viên đến từ Việt Nam. Họ rất nhiệt tình giúp đỡ tôi khi thực hiện nhiệm vụ chung của cả nhóm, và cả nhiệm vụ cá nhân của tôi. Trong khi hoạt động nhóm, họ đã giúp cho không khí nhóm trở nên tích cực hơn. Tôi đã học được một số từ tiếng Việt từ họ. Món ăn vặt của Việt Nam rất ngon.Trong tương lai, nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ tới thăm đất nước các bạn”.
Nguồn: Hoàng Yến – Phóng viên Tạp chí Thời đại