Bài học đầu đời ở nước Nga

B

Trong đời, tôi đã từng đi đây đi đó nhiều nơi, nhưng có lẽ thú vị nhất là chuyến du hành sang Nga để học tập bằng tàu hỏa liên vận vào cuối những năm 60 của Thế kỷ trước.
Gần hai tuần đi trên tàu, đám học sinh chúng tôi, vừa bước ra từ nơi bom đạn, đã được thấy nhiều điều mới lạ ở nước Nga.

Và vừa đặt chân đến nước Nga, mới về trường được vài ngày để học năm dự bị thì nhà trường tổ chức một cuộc míttinh. Sinh viên nước ngoài mới nhập học được xếp đứng phía trước. Sinh viên dự bị Việt Nam một chữ Nga bẻ đôi không biết, chẳng hiểu mittinh về chuyện gì, thấy sinh viên Liên Xô hô và giơ tay thì cũng làm theo. Chuyện tưởng không có gì phải bận tâm, nhưng hai ngày sau chúng tôi mới biết rằng đó là cuộc míttinh phản đối cách mạng văn hóa ở Trung Quốc… Mà bối cảnh thời cuộc lúc đó là Liên Xô, Trung Quốc mâu thuẫn nhau sâu sắc và hai nước đã lâm vào cuộc chiến tranh biên giới; còn Việt Nam thì đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, đang có quan hệ tốt với cả hai nước. Thế là chúng tôi được nhắc nhở, rồi được dặn dò về cách ứng xử trong trường hợp như vậy, cốt sao để có lợi nhất cho chúng ta về đối ngoại.

Năm dự bị, chủ yếu là học tiếng Nga và ôn lại kiến thức văn hóa. Sang học kỳ 2, tiếng Nga đã thông thạo hơn nên chúng tôi còn được học thêm môn chính trị, chủ yếu là triết học Mác-Lênin. Cuối học kỳ, các môn học đã thi xong, tôi đạt toàn điểm 5 (cao nhất), chỉ còn môn cuối là chính trị. Tôi vào phòng thi, chuẩn bị kỹ lưỡng và lên trả lời lưu loát. Thầy giáo cầm sổ điểm cá nhân của tôi, nhìn kết quả các môn thi trước, gật gù có vẻ hài lòng lắm. Nhưng ông hỏi thêm tôi một câu về quan điểm của tôi đối với cuộc cách mạng văn hoá ở Trung Quốc. Tôi bị bất ngờ, và nhớ lại vụ míttinh hôm nào, tôi tìm cách tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của thầy. Thầy tỏ ra thất vọng xen lẫn bực bội và cho biết tôi bị điểm 1.

Tôi choáng váng như bị giáng một đòn chí tử, lắp bắp: “Thưa thầy…nhưng câu hỏi của thầy không có trong bài giảng ạ”. Thầy lạnh lùng: “Đúng, nhưng nó có trong thực tế và có thể trả lời được nếu biết vận dụng từ nguyên lý của chủ nghĩa Mac-Lênin”.  “Nhưng… thưa thầy… điều đó còn tùy thuộc vào đường lối chính trị của mỗi Đảng và Nhà nước ạ”. – tôi cố vớt vát, hy vọng sẽ làm ông mủi lòng, nhưng thầy vẫn dửng dưng: “Mà tôi có hỏi em về quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đâu. Tôi hỏi quan điểm của cá nhân em cơ mà? – rồi ông đột ngột dịu giọng: – Em bao nhiêu tuổi rồi?”. “Dạ, mười tám ạ”. “Đấy, mười tám tuổi rồi, em đã có quyền công dân, thế mà lại không có quan điểm của mình trong cuộc sống”. Nói xong, ông quay xuống phía dưới nói với những sinh viên đang chuẩn bị bài: – “Nào, đến lượt ai, lên đi!”. Và ông quay sang tôi, lạnh lùng: – “Còn em, ra đi!”.

Tác giả (ngồi giữa) với cô giáo chủ nhiệm và thầy giáo Nga

Sau đó thì có chuyện cô giáo chủ nhiệm chạy đến. Và cô đi gặp ban giám hiệu trao đổi gì đó. Khoảng mười lăm phút sau, thầy hiệu trưởng tới. Và những sinh viên đang chuẩn bị bài trong phòng thi được cho ra ngoài. Trong phòng có cuộc hội ý kín. Vài phút sau, thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm ra mời tôi và tất cả các sinh viên khác trở lại phòng thi.

Tôi rụt rè bước vào phòng trước những ánh mắt tò mò, e sợ của các bạn trong và ngoài phòng thi. Nhìn thấy tôi, thầy dạy chính trị gật đầu bảo tôi ngồi. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi cố chịu đựng ánh mắt của thầy mà không lảng ra phía khác. Thật kỳ lạ, trong ánh mắt lạnh lùng, nghiêm khắc của ông, giờ đây như có điều gì đó toát ra làm tôi không cảm thấy sợ hãi hay tức giận như lúc ông vặn vẹo tôi, và ông nói, vẫn là cái giọng khô khan như hồi nãy nhưng sao tôi cảm thấy ấm áp lạ thường:

-“Thầy biết em có thể trả lời được câu hỏi đó, không chỉ vì em học giỏi. – ông chỉ tay vào những điểm 5 các môn thi trong cuốn sổ điểm của tôi. – mà còn vì em đã đi qua Trung Quốc, tận mắt chứng kiến cuộc cách mạng văn hoá. Thực ra, thầy hỏi em câu đó không phải để chờ nghe em khen hay chê cách mạng văn hoá, điều đó hậu thế sẽ phán xét, thầy chỉ muốn biết em đã đủ trưởng thành để bày tỏ quan điểm của mình hay chưa? Dù em có khen hay chê thầy vẫn cho em điểm cao”.

Trầm ngâm giây lát, ông tiếp: “Thầy hiểu, em không dám bày tỏ quan điểm của mình vì em đang bị ràng buộc nhiều thứ. – vừa nói ông vừa mỉm cười hóm hỉnh, hất đầu về phía các bạn tôi đang ngồi ở dưới và thập thò ngoài cửa. – Bây giờ thầy có thể thông cảm cho em, nhưng sau này khi vào đời, em hãy cố gắng vượt qua những rào cản và thể hiện chính kiến của mình trong mọi tình huống”.

Ông lấy cuốn sổ điểm của tôi, cho điểm 4 rồi đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn thầy, ấp úng: “Lúc nãy thầy nói cho em một điểm”. Thầy mỉm cười: “Tôi nói nhưng chưa ghi, bây giờ mới ghi. Thôi về đi, chúc em vào đại học, học giỏi”. Tôi cảm thấy cay cay nơi sống mũi, bối rối đến mức quên cả cảm ơn thầy.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ đây nhớ lại, tôi vẫn cứ phân vân tự hỏi, liệu nhũng kiến thức khoa học, kỹ thuật mà mình tiếp thu được trong những năm đại học có quan trọng bằng bài học đầu đời này hay không? Và nó có còn ý nghĩa?”.

                                                         ĐÀO MINH HIỆP, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Phú Yên

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.