Từ một học sinh không biết một chữ tiếng Nga, nay tớ đã có thể tự tin học tập bằng thứ tiếng khó khăn này. Để trở thành một sinh viên năm 1 ngành Du lịch tại đây, tớ cũng phải vượt qua rất nhiều rào cản từ bản thân.
Thử thách đầu tiên mang tên “nhớ và cô đơn”
Khác với việc du học ở phần lớn các nước trên thế giới, du học ở Nga không nhất thiết phải biết tiếng Nga. Các du học sinh khi sang xứ sở Bạch Dương nếu chưa biết tiếng sẽ phải trải qua một năm học đào tạo về ngôn ngữ, gọi là năm dự bị. Trong năm học này các du học sinh sẽ được theo học một chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nắm bắt được ngôn ngữ đứng thứ 3 về độ khó so với các ngôn ngữ khác (sau tiếng Trung Quốc và tiếng Ả rập). Ngoài ngữ pháp tiếng Nga, ngôn ngữ chuyên ngành và các môn học cơ bản khác như Toán, Văn… còn có các tiết học hát, đọc thơ bằng tiếng Nga. Đặc biệt hơn, các chương trình văn nghệ, các chuyến thăm quan, du lịch để mở rộng kiến thức và thực hành ngôn ngữ cho sinh viên thường xuyên được tổ chức. Sau năm dự bị các sinh viên nước ngoài sẽ bắt đầu bước vào năm nhất và học tập cùng với sinh viên Nga. Đây thật sự là một trong những giai đoạn khó khăn nhất cần phải vượt qua.
May mắn hơn các bạn cùng trang lứa, tớ đã được đi du học sang xứ sở tươi đẹp này khi mới bước vào tuổi 18, cái tuổi mà kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội còn quá ít. Những ngày đầu khi mới xa gia đình, nỗi nhớ nhà, sự cô đơn cứ luôn vây lấy tớ. Hai tuần đầu mới sang, phải ở nhà chờ kết quả kiểm tra sức khỏe, bạn bè chưa quen ai, ngoài trời toàn là tuyết trắng mới thật sự chán nản. Nhưng dần dần chính cái tò mò, thích khám phá của tuổi trẻ đã giúp tớ vơi đi nỗi nhớ mà vượt qua được những khó khăn ban đầu.
Những ngày bập bẹ tập nói
Được học dự bị tại trường đại học Tổng hợp Xã hội Mátxcơva (RGSU), là một trong những trường đào tạo tiếng Nga tốt ở thủ đô Mátxcơva, tớ mới thật sự thấu hiểu được trình độ đào tạo ngôn ngữ của đất nước Sa hoàng Peter đại đế này. Từ một sinh viên không biết một chữ tiếng Nga, sau một năm học tớ đã có thể nghe nói được kha khá.
Trong thời gian đầu tiếp xúc với ngôn ngữ văn chương này, được học chung với các bạn sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới, tớ mới hiểu được sự hạn chế về mặt ngôn ngữ của mình. Với đặc trưng ngôn ngữ đơn âm, sự khác biệt của ngôn ngữ La tinh với dòng ngôn ngữ Slavo, nên việc tiếp thu tiếng Nga quả là một vấn đề lớn với tớ. Tớ nhận thấy một điều thật thú vị, về mặt ngữ pháp thì hoàn toàn khác, có thể nói là sinh viên Việt Nam nắm ngữ pháp rất tốt nhưng phản xạ nói, văn phong nói thì chưa thể bằng các bạn sinh viên khác.
Bị choáng váng khi thấy các bạn cùng lớp nói nhanh như gió, trong khi mình để trả lời một câu hỏi thì phải nghĩ rất lâu mới bật ra được, tớ thật sự cảm thấy thất vọng và chán nản. Nhưng chính sự tốt bụng, thấu hiểu về nghiệp vụ sư phạm của các giáo viên dạy tại khoa dự bị của trường đã giúp tớ lấy lại được sự tự tin và niềm đam mê trong học tập. Tớ cố gắng suy nghĩ, tư duy theo tiếng Nga, cố gắng đọc những mẩu chuyện ngắn không tra từ điển, áp dụng theo đúng phương pháp “5 bước để học một ngoại ngữ”, dần dần tớ đã nghe hiểu được nhiều hơn và văn phong nói của mình đã cải thiện một cách đáng kể. Và dường như càng hiểu được thứ ngôn ngữ này nhiều hơn tớ lại thấy tình yêu của mình với nước Nga càng lớn hơn.
Những câu chuyện về nước Nga, những lời ca tụng về xứ sở tuyết trắng khi còn bé được nghe, tớ chưa cảm nhận được hết. Bây giờ, khi đã có thể hiểu được ngôn ngữ này, tớ càng thấm thía được tại sao mà những sinh viên Việt Nam thế hệ trước lại có thể lưu giữ hình ảnh đất nước Nga tươi đẹp với những ký ức, những cảm xúc sâu đậm đến như vậy.
Tớ thầm cảm ơn những thầy cô ở khoa dự bị của trường với chương trình đào tạo ngôn ngữ chuyên nghiệp, những chuyến đi thực tế bổ ích đã cho tớ một nền tảng ngôn ngữ, một kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa và con người của các bạn!
Tháng 9 tới Tớ sẽ bước vào học năm nhất Đại học, và tớ thấy mình đã có sự lựa chọn đúng khi chọn du học Nga và đây chính là điểm tựa đầu đời để tớ tự tin vững bước trên con đường sự nghiệp của mình.
RGSU, Mátxcơva