Du học sinh cần biết 4 hình thức giảm giá này

D

Ở nước ngoài, có hằng hà sa số những phương thức giảm giá cho bạn lựa chọn. Dưới đây là 4 hình thức giảm giá quen thuộc nhất với du học sinh.

Giảm giá với thẻ sinh viên

Còn nếu thực sự không có nhiều nhu cầu mua sắm thì bạn vẫn có thể được giảm giá bằng cách chìa thẻ sinh viên của mình ra. Các bảo tàng, rạp hát, cửa hàng ở nước ngoài thường có các mức khuyến mãi nhất định dành cho đối tượng sinh viên nghèo. Kinh nghiệm là khi mua vé, bạn cứ vui vẻ hỏi thăm liệu có mức giá riêng dành cho sinh viên hay không. Các bảo tàng và tụ điểm tham quan công cộng thường xuyên có ghi bảng giá rõ ràng ở quầy thu ngân. Ở một số bảo tàng, sinh viên từ 18-25 tuổi có thẻ cư trú dài hạn còn được miễn phí nữa đấy! Hay, tại các cửa hàng thức ăn nhanh có chương trình mua một tặng một hay giảm giá cho tổng hóa đơn (Buffalo Wild Wings, Burger King, McDonalds Subway…), các công ty về công nghệ máy tính (Dell, Apple, Microsoft), các trang web bán hàng trên mạng, học lái xe hay thậm chí cả cắt tóc và làm đẹp. Nhớ là đôi khi thẻ sinh viên ở nước khác có thể cũng sẽ giúp bạn được giảm giá khi đi du lịch nước ngoài. Chỉ cần bạn dám hỏi mà thôi!

Giảm giá kiểu “chỉ-cho-thành-viên”

Na ná với kiểu giảm giá cho sinh viên là giảm giá mà Học bổng Nga tạm liệt kê vào hạng “chỉ-cho-thành-viên”. Du học sinh đã rất quen thuộc với những chiếc thẻ giảm giá đa năng – NUS eExtra. Chiếc thẻ có giá 12 bảng/năm này cho phép bạn nhận được các chương trình giảm giá của chuỗi hệ thống hàng trăm cửa hàng, dịch vụ trên khắp Vương quốc Anh. Khi đến mua sắm và sử dụng các cửa hàng này, bạn chỉ cần chìa thẻ ra là sẽ được giảm giá với số phần trăm tương ứng mà NUS và cửa hàng đã giao kèo từ trước. Các trường Đại học thường bán chiếc thẻ này vào đầu năm học, hoặc bạn cũng có thể mua trực tuyến tại đây. Với chiếc thẻ này, khoảng 25.000 thành viên (tính đến tháng 12 năm 2013) trung bình tiết kiệm được 524 bảng Anh/năm cho các nhu cầu du lịch, áo quần, giải trí, thực phẩm, công nghệ… của mình. Những hãng thời trang như Warehouse, Topshop, Animal, New Look đều đã bắt tay với NUS Extra để mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội giảm giá hấp dẫn.

Giảm giá kiểu “Ai nhanh tay hơn nào”

Những trung tâm thương mại ở nước ngoài thường có các chương trình giảm giá theo ngày (3 ngày, một tuần hay một thời hạn nhất định nào đó). Đặc biệt ở các trang bán hàng trên mạng cũng thường có các đợt khuyến mãi chớp nhoáng, gọi là flash sales (hoặc deal-of-the-day). Thế nên, nếu nhìn thấy những chương trình này, bạn tuyệt đối không nên chần chừ quá lâu. Đôi khi chỉ một đêm suy nghĩ thì sáng mai ra đã không còn bảng giảm giá nữa đâu! Khác với những chương trình bán hàng thông thường (khi mà bạn có thể bỏ món hàng muốn mua vào giỏ và đợi đến khi có điều kiện sẽ mua), những đợt khuyến mãi không cho phép bạn “ngâm” giỏ đồ của mình quá lâu. Các mặt hàng cũng sẽ chỉ được bán với một số lượng không nhiều. Do đó, nếu không nhanh chân thì nhiều khả năng bạn sẽ hụt món đồ hoặc size của mình. Cách tốt nhất để cập nhật những thông tin này là bạn nên nhấn like các Facebook page của các trang web để không bỏ lỡ các cơ hội “giá hời” này.

Giảm giá kiểu “mua kín bán bưng”

Tuy chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đây là hình thức đã được biết đến nhiều ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu. “Nguyên lý hoạt động” của hình thức “private sale” khá dễ hiểu – chỉ những ai đã là thành viên của trang web mới được xem và mua hàng, với giá giảm từ 30 đến 70 %. Hầu hết các trang web này đều cho phép đăng ký thành viên một cách dễ dàng, tuy nhiên một số trang lại yêu cầu phải được giới thiệu bởi một ai đó đã là thành viên từ trước.
Những trang nổi tiếng nhất trong giới bán hàng kín có lẽ là Vente privee, Achica, Secret Sales. Đa số các trang này thường bán đủ loại mặt hàng từ áo quần, đồ gia dụng, đến đồ điện tử, thực phẩm (rượu, jambon…) và các chương trình du lịch trọn gói với giá rất ưu đãi. Đa số tất cả những mặt hàng này đều là hàng hiệu thường có giá thị trường rất cao mà sinh viên khó lòng chi trả được. Đây có thể coi là hình thức giảm giá tổng hợp giữa bán hàng kín, bán cho thành viên, và chỉ bán trong một thời gian ngắn. Nếu nắm trước lịch giảm giá và chịu khó dậy sớm để canh chừng, có khi bạn sẽ mua được những đồng hồ hàng hiệu với giá dưới 100 euros (trong khi giá thật có thể cả ngàn euros).

Các hình thức giảm giá khác

Tất nhiên trên đây chỉ là những phương án giảm giá phổ biến nhất. Vẫn còn những hình thức khác như coupon khuyến mãi, tích điểm khi đi siêu thị, mua 2 tặng 1… nhưng Hotcourses sẽ hẹn giới thiệu đến bạn một dịp khác.
Nếu có kinh nghiệm săn hàng giảm giá khi đi đi du học, nhớ chia sẻ với Hotcourses ngay dưới bài viết nhé.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.