Những điều học được từ thời du học

N

Luôn sẵn sàng di chuyển

Khi nói về chuyện di chuyển, xê dịch nơi này nơi khác, hầu như người bạn nào cũng đã từng đi học hay đi làm ở nước ngoài. Anh bạn đến từ Cameroon xa xôi đã từng đi làm vòng quanh các nước châu Phi trong quá trình làm chủ nhiệm câu lạc bộ sinh viên Pháp ngữ. Cô bạn Pháp đã có một năm Erasmus ở Belfast khi còn học ở trường Chính trị Paris, còn cô bạn Thụy Sĩ thì lại chọn nước Đức làm điểm đến của năm trao đổi. Bên cạnh những cơ hội du học, họ cũng rất chịu khó “đầu tư” cho những chuyến du lịch, đặc biệt là tại những nơi có sẵn bạn bè quen từ trước để đỡ tiền nghỉ trọ. Có lẽ cũng nhờ những hiểu biết học hỏi được trong chuyến đi, cộng thêm đam mê du lịch, mà tất cả bọn mình đã cùng tìm đến chương trình tình nguyện quốc tế Pháp ngữ (VIF), nơi gắn kết cả nhóm lại và cũng là cái cớ để cùng nhau đón Tết vào năm nay.

Coi trọng vấn đề ngoại ngữ

Những người có “chân đi” cũng thường là những người có khả năng ngôn ngữ. Không nói đến ngôn ngữ bản địa, ai trong số nhóm bạn cũng biết ít nhất thêm một thứ tiếng phổ biến (Anh, Pháp, Đức), thậm chí là hai, ba thứ tiếng. Chính yếu tố đa ngoại ngữ này là điểm mạnh rất lớn của họ trong quá trình đi du học, làm việc sau này. Cái may mắn của sinh viên nước ngoài là họ có nhiều lựa chọn về ngoại ngữ trong quá trình học Đại học. Ở đó, ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ 1 bắt buộc, sinh viên có thể học tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Ả rập hay thậm chí là tiếng Latinh! Ngoài ra, môi trường học tập quốc tế cũng là lợi thế giúp việc rèn luyện ngôn ngữ của họ được dễ dàng hơn rất nhiều.

Đối với sinh viên trong nước, tuy ít sự lựa chọn hơn, nhưng bạn vẫn có thể xoay sở để tìm ra lớp học có giảng dạy thứ tiếng yêu thích. Bạn có thể tìm đến các trang Facebook dành cho dân nước ngoài ở thành phố của mình và tìm thầy dưới hình thức trao đổi (họ dạy tiếng bản địa cho bạn, đổi lại bạn sẽ dạy tiếng Việt cho họ) chẳng hạn.

Đi làm thêm là việc hết sức bình thường

Cho dù họ có thể xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất của sinh viên nước ngoài đó là họ đều đã từng đi làm thêm để kiếm thêm ít tiền tiêu vặt thời Đại học. Vì không thể đảm nhiệm những công việc quá tốn nhiều thời gian vì lí do khối lượng bài vở quá nhiều, cô bạn cựu sinh viên chính trị đã chọn cho mình công việc đi phát tờ rơi. Còn cô bạn cựu sinh viên báo chí ở Thụy Sĩ lại đã từng nhận giặt, ủi đồ cho các cụ già trong thành phố. Ngoài ích lợi trước mắt là khoản thu nhập nho nhỏ, họ đều công nhận rằng những công việc làm thêm còn giúp họ rèn luyện sự từ tốn, tính kiên nhẫn và cả tính tổ chức tưởng không hề liên quan trong công việc giặt ủi.

Coi trọng kiến thức

Điều mà mình quý nhất ở họ đó là sự trân trọng dành cho kiến thức, dù cho đó là những hiểu biết không thực sự liên quan đến công việc chuyên môn ở thì hiện tại. Cô bạn học Khoa học Chính trị đã quyết định học thêm chương trình Thạc sĩ truyền thông kĩ thuật số. Cô nàng nhà báo không chỉ theo học một mà đến hai chuyên ngành khác nhau thời đại học, đó là Lịch sử và Báo chí… Và dù cho “background” và định hướng nghề nghiệp có khác nhau, họ đều công nhận một điều là những kiến thức thu nhặt được của từng bộ môn luôn có tác dụng vào một thời điểm nào đó.

Nếu bạn đang không hài lòng với ngành học của mình, hãy nghĩ theo hướng chúng không bao giờ thừa thãi và chắc chắn sẽ có một lúc nào đó bạn cần đến. Đừng học chỉ vì một tấm bằng hay đi đến một nơi nào đó chỉ để chụp ảnh và “khoe” Facebook rằng “tôi đã đến đây rồi”. Quá trình đạt được điều đó sẽ mang lại cho bạn nhiều hơn mình tưởng.
Chúc mọi người một năm thật vui trong quá trình “gặt hái”!

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.