Đại sứ Nga tâm sự về món ăn và truyền thống Việt với học sinh

Đ

Các học sinh học tiếng Nga tại các trường chuyên ở miền Bắc Việt Nam đã có chuyến thăm toà Đại sứ quán Nga tại Hà Nội. Cuộc gặp gỡ này được tiến hành nhờ sáng kiến khởi xướng của các thầy cô giáo người Nga tham gia dự án nhân đạo «Giáo viên Nga ở nước ngoài». Với sự hỗ trợ của TS Nguyễn Thị Thu Đạt – Giám đốc Phân viện Pushkin Hà Nội – phụ trách dự án này tại Việt Nam, các em học sinh đã có dịp giao lưu với ông Gennady Bezdetko Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của LB Nga tại CHXHCN Việt Nam.

Thưa Đại sứ, chúng cháu rất thán phục trình độ tiếng Việt của bác. Đại sứ còn biết những ngoại ngữ nào nữa ạ? Xin Đại sứ cho lời khuyên về việc học tiếng nước ngoài?

– Cảm ơn nhiều về lời khen của bạn! Tôi nói được tiếng Việt và tiếng Anh, một chút tiếng Trung và tiếng Pháp. Điều chính yếu nhất trong việc học ngoại ngữ là hòa mình vào môi trường tiếng, sử dụng thứ tiếng đó bất cứ lúc nào có thể. Nên thường xuyên nghe các bản ghi âm bằng tiếng nước ngoài, xem phim, đọc báo và văn học, giao tiếp với người bản ngữ, ngay cả khi ban đầu điều này có vẻ khó khăn không hiệu quả. Và, hiển nhiên, ta phải không ngừng nâng cao kiến ​​thức trong lĩnh vực ngữ pháp và từ vựng. Tôi không tin vào phương pháp học một ngoại ngữ chỉ trong một vài tuần. Như di huấn của Lenin, chúng ta phải “Học, học nữa và học mãi”. Chắc chắn là sự kiên trì và bền bỉ sẽ đưa bạn đến mục tiêu mong muốn.

Năm nay chúng cháu sẽ tốt nghiệp phổ thông và cần quyết định làm gì trong đời. Còn Đại sứ đã thực hiện sự lựa chọn nghề nghiệp như thế nào ạ? Tại sao Đại sứ quyết định trở thành nhà ngoại giao?

– Tôi không chọn nghề ngoại giao, mà nghề này đã chọn tôi đấy. Sau khi tốt nghiệp Học viện Các nước Á-Phi tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Matxcơva, tôi được mời đến phỏng vấn tại Bộ Ngoại giao Liên Xô, thành công vượt qua khâu ứng tuyển và kể từ đó bắt đầu công tác theo định hướng chính sách đối ngoại của Nhà nước. Đây là lĩnh vực hoạt động nghiêm túc, đầy trách nhiệm và đồng thời rất thú vị, đòi hỏi có kiến ​​​​thức cơ bản, sự uyên thâm và tầm nhìn rộng. Nhà ngoại giao không luôn xuất hiện trước công chúng như thoạt nhìn – nhiều thời gian không dành cho những cuộc gặp gỡ và đàm phán mà là làm việc với tài liệu. Giống như bất kỳ ngành nghề nào khác, công tác ngoại giao đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì không ngừng để đạt thành tựu mục tiêu đã đề ra.

Chúng cháu biết Đại sứ luôn rất bận với nhiều việc phải làm. Liệu Đại sứ còn lúc nào rảnh không ạ? Bác làm gì khi rảnh rỗi, có sở thích gì không ạ?

– Mặc dù phải đảm đương khối lượng công việc đồ sộ, tôi luôn cố gắng tìm thời gian dành cho gia đình và bạn bè thân thiết của mình. Tôi chơi đàn, nghe nhạc – đặc biệt là những nhạc phẩm của những năm 70 và 80. Tôi đọc rất nhiều – đó là thói quen hình thành từ thuở nhỏ, khi chưa có máy tính, không TV, không điện thoại thông minh. Bất cứ lúc nào có thể, tôi thích đi du lịch, trong đó có những chuyến lữ hành khắp Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, Đại sứ đã đến những tỉnh thành nào trong nước ạ? Bác thích nơi nào và có gì khiến Đại sứ thấy hấp dẫn ạ?

– Công tác với Việt Nam và tại Việt Nam chiếm phần lớn cuộc đời tôi. Trong thời gian này, tôi đã có dịp thăm nhiều điểm khác nhau, nên bây giờ, có lẽ chỉ còn ít nơi mà tôi chưa đến. Đất nước các bạn có lịch sử lâu đời và huy hoàng, nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên và địa điểm văn hóa phong phú, có thể gây bất ngờ làm cả những vị du khách khó tính nhất cũng ngạc nhiên và hứng thú. Riêng tôi luôn không ngừng ngưỡng mộ sự đa dạng của các thắng cảnh độc đáo ở Việt Nam, cả biển và núi rừng rất đẹp, và tôi tích cực giới thiệu để bạn bè và người quen của mình đến thăm Việt Nam.

Đại sứ có dùng đồ ăn Việt Nam không ạ? Đại sứ thấy ẩm thực Việt Nam thế nào ạ? Bác thích nhất món ăn nào của quê hương chúng cháu?

– Không ai có thể dửng dưng với ẩm thực Việt Nam, và tôi cũng không là ngoại lệ trong vấn đề này. Giống như với cư dân Việt Nam, đối với tôi bánh chưng xanh là một phần không thể thiếu của dịp Tết, và không thể thiếu bánh nướng bánh dẻo khi đón Tết Trung thu. Tất nhiên, món xôi, bánh cuốn, phở, bún chả và nem truyền thống đều cực ngon vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tôi quan tâm tìm hiểu những đặc điểm ẩm thực của từng tỉnh, từng vùng miền ở Việt Nam. Một số món trong đó khá đặc biệt, nhưng nhìn chung, tính chất đa dạng của món ăn và thực đơn Việt khiến tất cả mọi người có thể tìm thấy thứ hợp khẩu vị và ưa thích.

Đại sứ đã đón bao nhiêu cái Tết rồi ạ? Đại sứ thấy ấn tượng điểm gì nhất trong truyền thống và phong tục Việt Nam ạ?

– Trong đời tôi đã có nhiều cái Tết. Chính xác bao nhiêu Tết – tôi sẽ không nói ngay đâu, phải đếm đã. Tôi có thể vững tin nói rằng mọi cái Tết Việt Nam trong tôi đều gắn liền với những hồi ức ấm áp và kỷ niệm dễ chịu nhất.

Phong tục và truyền thống của Việt Nam vô cùng đa dạng, và tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu sự đa dạng phong phú đó. Điều khiến tôi ngưỡng mộ trên hết là lòng hiếu kính sâu sắc và chân thành mà người Việt Nam dành cho cha mẹ, thầy cô và nói chung là với những đại diện của thế hệ đi trước. Thật vui mừng khi đặc điểm tuyệt vời này, tất nhiên, là một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam, bây giờ vẫn đang thấm nhuần và được tiếp nối trong giới trẻ ngày nay.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.