Tôi đến thành phố Voronezh một cách hết sức tình cờ, không hề có lựa chọn trước. Như người ta vẫn thường hay nói, số phận sắp đặt cho ta nhiều thứ, trong đó có nơi ta gắn bó cả một thời thanh xuân tươi trẻ.
Tháng 11-2008, tôi sang Nga theo một chương trình học bổng đại học của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga. Đặt chân xuống sân bay quốc tế Domodedovo ở thủ đô Moscow, tôi choáng ngợp trước sự hào nhoáng và rộng lớn của nơi đây. Khi đó, thời tiết tại thủ đô Nga rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời giảm xuống mức âm. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hơi lạnh bao trùm lấy khuôn mặt khi vừa bước ra khỏi sảnh đón. Cái lạnh tê tái làm tôi không khỏi lo lắng. Tôi thầm nghĩ: “Làm sao mình có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ như thế này?”. Rồi ngay sau đó, trên đường từ Moscow về Voronezh, hàng loạt câu hỏi khác cứ thay phiên nhau xuất hiện trong đầu tôi.
Sau hành trình hơn 9 giờ đồng hồ, chiếc xe Gazel 16 chỗ đưa tôi cùng đoàn sinh viên đến một ký túc xá số 7 của trường Đại học Quốc gia Voronezh, nơi tôi sẽ theo học chương trình dự bị tiếng Nga 1 năm. Chúng tôi thật may mắn khi tại đây có khá nhiều anh chị sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình đại học và sau đại học. Tôi được mọi người chào đón hết sức nồng nhiệt. Hương vị bữa ăn Việt đầu tiên do các anh chị chuẩn bị còn đọng lại trong tôi đến tận bây giờ. Tình đồng hương đã sưởi ấm chúng tôi giữa mùa đông buốt giá như vậy đó.
Voronezh được mệnh danh là thủ phủ vùng đất đen, tọa lạc ở phía Tây Nam nước Nga. Lần đầu tiên, Voronezh để lại ấn tượng mạnh trong tôi với những cánh đồng trải rộng miên man, tưởng chừng như kéo dài vô tận. Cũng như nhiều thành phố lớn khác ở Nga, Voronezh mang trong mình những dấu ấn của một thời Xô Viết oanh liệt như Quảng trường Lenin, đại lộ Cách Mạng, các bảo tàng chiến tranh đồ sộ. Tuy nhiên, từ những bước chân đầu tiên, điều làm tôi thấy yêu thành phố này hơn cả chính là sự yên bình của nó. Những ngày đầu, chúng tôi có thể nhởn nhơ đi bộ cả ngày để hòa mình vào thiên nhiên nơi đây và ngắm những đàn bồ câu thong dong trên phố. Tất cả tạo nên một nhịp sống từ tốn, chậm rãi.
Sau hơn một tuần tất tả chuẩn bị cho cuộc sống mới, tôi bước vào những buổi học tiếng Nga đầu tiên. Trước đó, tôi chưa hề chuẩn bị cho mình bất kỳ một vốn liếng tiếng Nga nào, kể cả những từ thông dụng nhất. Buổi học đầu tiên với tôi kéo dài như cả một thế kỷ. Và tôi như lạc vào một thế giới khác, nơi tôi với cô giáo và các bạn chỉ có thể hiểu nhau qua ngôn ngữ hình thể. Tôi bắt đầu thấy sợ. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn và chân tình của cô giáo tiếng Nga, tôi đã nhanh chóng thoát khỏi cảm giác lo lắng. Chúng tôi như những đứa trẻ, bắt đầu nắn nót từng con chữ dưới sự dìu dắt của cô. Tiếng Nga là một ngôn ngữ rất khó để nắm bắt tường tận. Do đó, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi luôn cố gắng động viên nhau. Ngoài tiếng Nga, chúng tôi cũng được học bổ trợ những môn cơ bản khác như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý… với khối từ vựng mới khổng lồ. Năm đầu tiên khép lại với đầy ắp những kỷ niệm khó quên như những buổi Festival quốc tế đa màu sắc hay các chuyến dã ngoại xa thành phố. Sau đó, các thành viên trong đoàn chúng tôi được phân bổ về các trường, khoa khác nhau để tiếp tục chương trình đại học.
Năm đầu đại học với tôi quả thực là một trải nghiệm lớn. Năm ấy, tôi là sinh viên nước ngoài duy nhất của khóa. Việc giao tiếp với các bạn Nga ban đầu vấp phải nhiều rào cản. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt thành của các bạn, tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Chương trình học những năm đầu đại học không quá vất vả. Điều đó giúp tôi có nhiều thời gian hơn để giao tiếp và làm quen với đời sống sinh viên. Sang năm thứ 3, tôi chọn chuyên ngành và bắt đầu làm việc với thầy hướng dẫn của mình. Đó là thầy Aleksander Nikolayevich. Thầy Aleksander Nikolayevich là tiến sĩ khoa học, giáo sư khi còn rất trẻ. Thầy có vốn am hiểu sâu sắc về chuyên môn với nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng về cảm biến khối lượng và polymer in dấu phân tử. Những ngày đầu chập chững bước vào con đường nghiên cứu khoa học, thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi thực sự biết ơn thầy.
Quả thực, tôi thấy mình may mắn khi được theo học tại Tổ Hóa phân tích, Khoa Hóa học (Đại học Quốc gia Voronezh), nơi có rất nhiều thầy cô giỏi đang giảng dạy và nghiên cứu. Tổ của chúng tôi thường xuyên nằm trong danh sách các Tổ có thành tích tốt nhất của trường. Các thầy, các cô tại đây lúc nào cũng bình dị và lắng nghe sinh viên. Họ luôn sống và cống hiến hết mình cho khoa học, cho đất nước. Điều đó làm tôi ngưỡng mộ biết bao.
Kết thúc chương trình đại học và thạc sĩ với tấm bằng ưu, tôi quyết định tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Tôi thấy mình trưởng thành và trách nhiệm hơn. Tôi không còn phải lên lớp, phải trả môn thi. Tôi phải cùng thầy dẫn dắt phòng thí nghiệm với hàng chục sinh viên đại học và thạc sĩ. Có những ngày chúng tôi chạy đua không mệt mỏi để hoàn thành dự án. Hay có những đêm chúng tôi thức trắng cho các kỳ hội nghị khoa học thường niên. Bốn năm nghiên cứu sinh trôi qua thật chóng vánh. Ngày bảo vệ, tôi được tất cả các thành viên trong hội đồng cho phiếu đồng ý. Với tôi, đây là một vinh dự rất lớn. Khi đứng lên phát biểu, tôi chợt khựng lại, không biết mình phải nói gì. Vì tôi nhận ra rằng đây cũng là lúc nói lời chia tay với ngôi trường mà mình gắn bó hơn 10 năm. Đó là một khoảnh khắc không hề dễ dàng để đón nhận. Thầy trưởng Hội đồng bảo vệ bắt tay chúc tôi thành công và dặn dò: “Đừng quên ngôi trường này nhé!”.
Những ngày cuối cùng thật đáng nhớ. Tôi cố gắng đi bộ thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về từng con đường, góc phố, hàng cây… Tôi thầm cảm ơn Voronezh đã đi cùng tôi một chặng đường trong cuộc đời. Voronezh sẽ đọng mãi trong tôi với những mùa đông trắng xóa, những cánh đồng hoa hướng dương rực nắng, những công viên mát lộng hay những con người Nga hào phóng và nghĩa tình.
Ngày rời thành phố quay về quê hương, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Đúng vậy, từ lâu, đối với tôi, Voronezh đã là một phần của tâm hồn!
CAO NHẬT LINH – CUỘC THI VIẾT “NƯỚC NGA TRONG TRÁI TIM TÔI” NĂM 2020 https://www.qdnd.vn/