Trước đây Tôi đã từng đóng góp một số bài viết dạng tự sự cho các bạn đọc Du học Nga và thật may mắn đã để lại dấu ấn với rất nhiều bạn đọc. Với tôi, những câu chuyện được viết nên ấy giống như chương đầu tiên trong cuốn tự sự về cuộc đời mình. Ở bài viết này, tôi muốn chia sẻ một chút về thời gian sau khi đặt chân đến Nga và bắt đầu cuộc sống xa quê hương.
Sau quyết đinh ấy, tôi bắt đầu cuộc sống ở Nga
Suốt một hành trình dài khoảng một năm chuẩn bị cho chuyến đi lớn, giờ tôi đang ở Nga và thỏa mãn tâm nguyện của mình. Đối với nhiều người việc đi học ở nước ngoài vài ba năm không cản trở gì cuộc sống của họ, nhưng với tôi đó là sự thay đổi về sự nghiệp, về cuộc sống và cả những dự định trước mắt.
Thật may mắn khi sang đây tôi lập tức được xếp đi học tiếng năm đầu tại một trường Đại học có tiếng về chất lượng đào tạo Dự bị. Đó là nguồn động lực rất lớn về mặt tinh thần, mà theo Tôi rất nhiều bạn khác cùng sang với tôt vẫn chưa có được nguồn động viên ấy. Việc học ở đây hoàn toàn khác so với việc học ở nhà. Có nhiều lý do để lý giải cho điều đó. Có những lần nói chuyện với người thân của mình ở Việt Nam, họ không tin rằng tất cả những gì tôi học ở đây đều bằng tiếng Nga, không có ai phiên dịch để cho mình hiểu tất cả mọi thứ, và đó là sự thật. Sự rào cản về mặt ngôn ngữ khiến mình phải chăm chỉ hơn, phải tập trung hơn và cần sự cố gắng nhiều hơn. Lý do nữa là bởi do quá trình học hành chểnh mảng ở Việt Nam khi còn giữ tâm lý mới thi xong đại học phải chơi cho đã, thì giờ là lúc gánh chịu hậu quả. Ở Nga kiến thức được phân hóa rất rõ rệt trong hệ thống giáo dục, cho nên mình phải cố gắng làm sao cũng trang bị đủ cho bản thân số lượng kiến thức thật tốt thì lên học chương trình chính sẽ đỡ vất vả hơn. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó thực sự là quá trình tích lũy cực kì dày công mà không phải ai sang du học cũng làm được. Tiếp đến mới là yếu tố văn hóa, khi bạn thực sự không hòa nhập được với cộng đồng và xã hội bạn đang sống, bạn sẽ luôn cảm thấy chán nản và không có động lực để tiếp tục ở đây. Có rất nhiều bài báo nói về sự hòa nhập của sinh viên du học ngày càng dễ dàng và đơn giản hơn, cũng có lí đúng nhưng không đúng hoàn toàn. Không phải vì vài lần đi Pub, nói chuyện thoải mái với bạn bè Nga, hoặc đã từng biết đến những thú vui của người Nga qua Internet trước đó mà bạn vội quy chụp đó là sự hòa nhập. Với tôi, hòa nhập phải đi từ góc độ văn hóa, từ cách ứng xử, từ cách ăn nói cho đến những thói quen tốt đẹp của người bản địa. Ở Nga người ta không tôn trọng sự tự do như ở Mỹ, mà hơn hết vẫn là tính kỷ luật. Đó là nguyên tắc sống của rất nhiều người dân bản địa, mà bạn bè quốc tế vẫn xem đó như định kiến một dân tộc với người Nga.
Những lý do nêu trên chỉ tạm thời là những lý do chính mà bản thân tôi đang nhìn thấy và trải nghiệm. Cũng bởi vô vàn những khó khăn, mà bản thân mỗi người được cải thiện. Ngày đầu tiên bạn sẽ không cảm nhận được quá trình tiến triển ấy, nhưng lâu rồi khi nhìn vào những thói quen của bản thân bạn mới cảm nhận được. Trước khi đến Nga, chúng ta không hề biết phân loại rác, nhưng sống ở đây rồi sao có thể vẫn giữ thói quen cũ đó được (cũng tùy thành phố bạn sống nhé :D). Nếu như ở nhà, bạn sử dụng túi nilon bừa bãi, và nó là thứ rất rẻ mà người ta có thể dễ dàng cho nhau, thì ở đây bạn phải bỏ tiền ra để mua với giá không hề rẻ hoặc được khuyến khích mua túi vải sử dụng nhiều lần hay túi giấy. Việc bạn đi lại hống hách như còn ở Việt Nam (đi xe máy lượn lách, chen lấn vỉa hè, rồi vượt đèn đỏ) đã chấm dứt, bởi chúng ta chỉ có thể sự dụng phương tiện công cộng hoặc đi bộ. Đặc biệt là phải có kế hoạch ăn uống rõ ràng, nếu không bạn sẽ chết đói vào ngày chủ nhật khi thời tiết vào đông nhiệt độ đạt cực đỉnh độ Âm và các cửa hàng sẽ đóng cửa vào ngày chủ nhật. Hoặc đơn giản là việc chi tiêu eo hẹp, sẽ khiến chúng ta biết cách tiêu tiền đúng chỗ và hợp lý. Ngoài ra khi đi học bắt buộc phải đọc sách, ngâm cứu tài liệu nếu không sẽ không theo kịp các bạn trong lớp.
Cuộc sống ở một đất nước khác quả thực rất hấp dẫn. Ai mới sang cũng đặt ra trong đầu một phép so sánh giữa cuộc sống trong quá khứ và hiện tại. Đó là phép so sánh dễ hiểu, tôi cũng vậy. Chê Việt Nam có, khen Việt Nam cũng có, nhưng tựu chung lại mình vẫn phải sống trong hai thái cực ấy. Câu nói của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: “không có dân tộc nào hoàn hảo” đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ hiện tại của tôi.
Tôi sống ở một thành phố nhỏ phía Đông nước Nga, gần như các hoạt động buôn bán và lễ hội lớn ở đây đều không có, thế nên những ngày nghỉ cuối tuần sẽ thật dài và nhàm chán nếu như tôi không nghĩ ra trò gì đó để làm. Tôi không thể quên việc cầm theo một cuốn truyện ngắn trong lúc đi dạo cuối tuần. Những công viên lớn nhỏ ở đây tôi cũng đều đi qua hết. Đơn giản là vì chán không có việc gì làm, nhưng ấy thế là tôi biết rất nhiều thứ về thành phố tôi sống. Đi qua những bức tường thành ngăn sông, tôi còn cảm nhận được nét lịch sử của thành phố. Mặc dù là một thành phố nhỏ và nghèo nhưng không ai tin được nó đã hình thành từ cách đây 300 năm. Mỗi người dân nơi đây họ đều hài lòng với cuộc sống ấy. Có những lần đi dạo trong công viên, tôi bắt gặp một gia đình người Nga đang chơi bóng cùng nhau (gồm người lớn và trẻ nhỏ) bạn sẽ nhận được cái cười thiện cảm của họ cùng câu chúc: прекрасных выходных! (chúc cho những ngày nghỉ tốt lành). Bỗng trong lòng bạn sẽ cảm thấy vui sướng tràn trề, mà dường như không bao giờ trong cuộc sống bạn sẽ nhận được lời chúc ấy từ một người Việt Nam.
Trải qua bốn tháng đầu tiên sống ở Nga, tôi dần hình thành cho mình những thói quen tốt hơn. Buổi tối được đi ngủ đúng giờ, để sáng sớm dậy đi học. Vài người bạn của tôi chê rằng cuộc sống thế thật nhàm chán và già cỗi. Cũng đúng đó, nhưng sẽ tốt hơn là bạn sống xa nhà mà không có sức khỏe và minh mẫn. Sống ở nước Nga đôi khi chỉ là mấy con số trên tờ giấy đăng ký “Khẩu” cũng có thể khiến bạn phải cẩn trọng vì nhỡ đâu một ngày nào đó, sẽ có người mời bạn ra hầu tòa vì vi phạm thời hạn thì thật khó xử. Trong quãng thời gian sống ở đây, mình đã có những tình bạn đẹp. Dù là người Việt hay người nước ngoài họ cũng đều đồng cảm với mình, chia sẻ những câu chuyện ở đây với mình, khiến cuộc sống của mình sinh động hơn. Đó là những kỉ niệm đáng trân trọng khi sống xa quê.
Đường học của mình vẫn còn dài, bởi mình còn nhiều khoảng trống chưa được lấp. Một người trưởng thành họ cần đủ kiến thức, vốn sống lẫn cả trải nghiệm đáng nhớ. Thời gian tuổi trẻ trôi đi rất nhanh, càng lớn tuổi bạn sẽ không đủ minh mẫn, thời gian và tiền bạc cho những trải nghiệm như bây giờ. Hãy tận dụng thời gian đáng quý ở đây và chúc các bạn thành công trên con đường đã chọn!
Tác giả bài viết: Trần Mạnh Hùng