Đối với các bạn du học sinh Việt Nam sống quen ở miền nhiệt đới, Nga là xứ sở của băng giá và tuyết trắng. Trước khi đến đó, ai cũng muốn biết ở đấy mưa nắng ra sao. Hóa ra, chúng ta biết rất ít về khí hậu ở Nga đấy các bạn. Chẳng hạn, ta cứ tưởng St. Petersburg là nơi mưa nhiều nhất và trên toàn bộ lãnh thổ phía nam Nga lúc nào cũng nắng ấm và khô ráo. Nhưng thực tế lại không phải thế. Hãy cùng Du học Nga tìm hiểu về khí hậu của nước Nga qua 40 đặc điểm thú vị dưới đây nhé:
1. Chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa mùa hè và mùa đông ở Nga là 36°C. Ở Canada độ chênh lệch đó là 28,75°C.
2. Nơi lạnh nhất có người sống ở Nga là làng Oymyakon ở Yakutia. Nhiệt độ trung bình tháng giêng là -50°C, nhiệt độ tối thiểu tuyệt đối được ghi nhận vào năm 1926 là -71,2°C.
3. Nơi nóng nhất ở Nga là Cộng hòa Kalmykia. Trạm khí tượng Uta đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày 12 Tháng Bảy năm 2010 là +45,4°C.
4. Tại Moscow, nhiệt độ tối thiểu tuyệt đối được ghi nhận vào năm 1940. Nhiệt kế giảm xuống -40,1°C. Nhiệt độ tối đa tuyệt đối của thủ đô đã được ghi nhận hồi tháng 7 năm 2010 là +38,2°C.
5. Bờ biển phía nam của bán đảo Crimea có khí hậu Địa Trung Hải giống như Hy Lạp và Bulgaria. Tại khu vực này vào mùa hè không khí được sưởi ấm đến +30°C và nhiệt độ nước biển lên đến +21-22°C.
6. Khí hậu vùng Karelia và Phần Lan gần như giống hệt nhau. Nhiệt độ trung bình tháng bảy khoảng +17°C.
7. Vùng núi Ai-Petri là một trong những nơi bị sương mù che phủ nhiểu nhất ở Crimea và Nga. Vào năm 1970 đã có 215 ngày sương mù được ghi nhận ở đây. Nơi có sương mù dày đặc nhất trên thế giới là hòn đảo Newfoundland.
8. Làng Sheregesh ở vùng Kemerovo là sự thay thế tuyệt vời cho các khu trượt tuyết của châu Âu. Nhiệt độ mùa đông trung bình là +17°C. Tuyết có thể phủ dày đến 4 mét.
9. St. Petersburg không phải là thành phố có mưa và sương mù nhiều nhất ở Nga. Lượng mưa hàng năm ở đây chỉ có 661 mm. Nơi nhiều mưa mất ở Nga là Severo-Kurilsk (quần đảo Kurils ở Viễn Đông). Mỗi năm thị trấn này tiếp nhận lượng mưa 1844 mm.
10. Lượng mưa ít nhất ở Verkhoyansk (Yakutia) – chỉ có 178 mm mỗi năm. Nhưng khu vực này bị tuyết phủ hơn 200 ngày trong năm.
11. Tại Verkhoyansk năm 1911 lượng mưa giảm xuống chỉ còn 45 mm. Đồng thời đó cũng là kỷ lục mưa tối thiểu được ghi nhận ở Nga.
12. Thành phố nhiều nắng nhất ở Nga là Ulan-Ude (Buryatia), trung bình hàng năm thành phố này có 2797 giờ nắng. Vị trí thứ hai thuộc về Khabarovsk với 2449 giờ nắng trong năm.
13. Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới bao gồm 8 vùng khí hậu. Để so sánh, ở Mỹ chỉ có 5 vùng.
14. Mũi Taigonos ở khu vực Magadan là nơi có gió thổi nhiều và mạnh nhất trên lãnh thổ Nga. Tốc độ gió ở đây có thể đạt tới 58 m/s hoặc 208 km/h. Tốc độ này tương đương với bão.
15. Năm 1908, một trận lũ lớn xảy ra ở Moscow. Mực nước sông Moscow đã tăng lên 9 mét, khoảng 16 km² diện tích thành phố bị ngập nước.
16. Lốc xoáy (vòi rồng) không chỉ có ở Mỹ. Năm 1904, Moscow và vùng ngoại ô của nó bị ảnh hưởng lớn bởi một cơn lốc xoáy. Lublin, Karacharovo, khu rừng An-nengof, các công trình được xây dựng ở Lefortovo, Basman, một phần Sokolniki đã bị phá hủy. 800 người bị thương.
17. Tại St. Petersburg hơn 300 lũ lụt đã được ghi nhận từ năm 1703. Trong trận lụt nặng nhất hồi tháng 11 năm 1824 mực nước sông Neva đã lên đến 4.21 mét so với bình thường.
18. Mưa băng tuy không phổ biến ở Nga, nhưng vào năm 2010 tại Moscow nó là thủ phạm khiến cho 400 000 dân địa phương và cả sân bay Domodedovo bị mất điện, đồng thời 4600 cây bị đổ.
19. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, trong 100 năm qua nhiệt độ trung bình ở Nga đã tăng 1°C. Trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX nhiệt độ còn tăng thêm 0,4 ° C.
20. Mùa đông 2014-2015 được ghi nhận là ấm nhất. Nhiệt độ bất thường theo mùa là 4-7°C, cao hơn 0,5°C so với kỷ lục ấm của mùa đông năm 1962.
21. Trong thời kỳ Băng hà nhỏ, năm 1601 sông Moscow đóng băng từ ngày 15 tháng Tám.
22. Aleksey Maloletko, giáo sư của Đại học Tomsk, nói rằng ở vùng Hạ Volga vào mùa đông năm 1778 nhiệt độ thấp đến mức chim đang bay bị chết cóng và rơi xuống đất.
23. Mùa đông năm 1759-1760 ở St. Petersburg rất lạnh, thậm chí thủy ngân bị đóng băng trong nhiệt kế. Điều này cho phép các nhà khoa học có một khám phá độc đáo và xác định điểm đông cứng của thủy ngân là -38,8°C. Trước đó người ta tin rằng thủy ngân không phải là kim loại.
24. Năm 2012, Biển Đen đóng băng. Sự bất thường về khí hậu tương tự được quan sát vào năm 1977, khi Biển Đen đóng băng gần bờ Odessa “từ bãi biển đến tận chân trời.”
25. Mùa hè nóng nhất trong lịch sử được công nhận vào năm 2010. Tại Moscow, nhiệt độ trung bình tháng bảy đã tăng lên 7,7 độ so với kỷ lục trước đó. Nhiệt độ cao gây ra hỏa hoạn, và giao thông trên các con sông chính đã bị ngưng trệ vì nước sông bị cạn.
26. Năm 2012, nhiệt độ cao bất thường kéo dài từ tháng Tư đến tháng Chín.
27. Một trong vụ hạn hán kinh hoàng nhất được ghi nhận vào năm 1370. Theo biên niên sử, nhiệt độ không khí cao đã gây ra cái chết hàng loạt của các loài chim và động vật.
28. Có một truyền thuyết kể rằng người Đức không chiếm được Moscow trong Thế chiến II vì lạnh giá. Thực ra, nhiệt độ trong tháng 12 năm 1941 không vượt quá -20 °C (trái ngược với lạnh bất thường hồi năm 1940 – vào tháng Giêng năm đó nhiệt độ xuống tới -42,1°C).
29. Cũng có truyền thuyết như vậy về cuộc chiến tranh năm 1812. Nhưng trong thực tế, vào năm 1812 mùa đông đến muộn hơn bình thường. Nhiệt độ trước khi xảy ra trận chiến ở Krasnoye là khoảng -5°C và 10 ngày sau đó trời trở ấm. Giá rét thực sự (-20°C) chỉ bắt đầu vào đầu tháng Mười Hai, khi Napoleon vượt qua sông Berezina trên đường rút chạy.
30. Nhưng đợt lạnh khủng khiếp diễn ra trong cuộc Chiến tranh phương Bắc là một sự kiện lịch sử. Mùa đông năm 1708 được coi là mùa đông lạnh nhất ở châu Âu trong vòng 500 năm trở lại đây, và quân đội Thụy Điển đã đại bại vì không được tiếp tế kịp thời.
31. Tại thời điểm xảy ra cơn đại hỏa hoạn năm 1812 ở Moscow đã có một hiện tượng khí quyển hiếm gặp và nguy hiểm – cơn lốc xoáy lửa. Nó xuất hiện khi các quầng lửa lớn kết hợp với nhau. Nhiệt độ bên trong một cơn lốc xoáy như vậy có thể đạt tới 1000 ° C.
32. Cơn mưa đá lớn nhất ở Nga xảy ra vào năm 1904, khi một cơn lốc xoáy đổ bộ xuống Moscow. Các hạt mưa nặng tới 400-600 gram. Theo lời kể của các nhân chứng, những hạt mưa này thậm chí còn làm gãy nhiều cành cây lớn.
33. Ở Sochi trung bình hàng năm có 50 cơn giông. Cùng chừng ấy cơn giông xảy ra hàng năm ở Lake Charles, bang Louisiana (Mỹ).
34. Ở làng Agata (Siberia) áp suất khí quyển cao nhất được ghi nhận vào ngày 31 tháng 12 năm 1968 – 813 mmHg.
35. Năm 1940 có một cơn mưa tiền xu từ thời Sa hoàng Mikhail Fedorovich rơi xuống làng Meshchery thuộc tỉnh Nizhny Novgorod.
36. Vào tháng Tư năm 1944 bông tuyết lớn nhất trong lịch sử Nga rơi xuống thành Moscow với kích thước bằng bàn tay người lớn.
37. Ở Nga thường có những cơn bão bụi. Thông thường chúng xảy ra ở khu vực Astrakhan, phía đông vùng Volgograd, ở Kalmykia, Tyva, vùng Altai và vùng Ngoại Baikal.
38. Cơn lốc xoáy đầu tiên ở Nga được nhắc đến trong biên niên sử năm 1406. Biên niên sử Ba Ngôi chép rằng một cơn lốc xoáy lớn đã nhấc bổng một cỗ xe ngựa chở nặng từ thành phố Nizhny Novgorod và vất xuống bờ đối diện của sông Volga.
39. Ở Nga kỷ lục tuyết phủ dày nhất được ghi nhận trên bán đảo Kamchatka là 2,89 mét. Để so sánh bạn nên biết tuyết ở Moscow suốt cả mùa đông cũng không dày quá 78 cm.
40. Ở Nga bạn có thể nhìn thấy vòi rồng nước. Khác với các cơn lốc xoáy thông thường, vòi rồng nước không nhất thiết phải kèm theo một cơn bão và thường “hạ hỏa” sau 15-30 phút. Vòi rồng nước hay gặp ở Biển Đen, và trong đợt nắng nóng năm 2010, hiện tượng này đã được quan sát thấy trên sông Volga.
russian7.ru