Du học sinh Việt tại Nga thu nhập nghìn đô từ bán đồ khô

D

Bạn Nguyễn Liên, du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga năm 4 khoa công nghệ Hóa, trường đại học Volgograd State Technical từ lâu đã được cộng đồng du học sinh cũng như cộng đồng Việt Kiều tại Nga biết đến với biệt danh rất ấn tượng là “đại gia đồ khô”. Với nghề tay trái tranh thủ làm thêm này, Liên đã có mức thu nhập lên tới hàng nghìn đô/tháng mà hầu như rất ít khi phải bước chân ra khỏi ký túc xá.

Từ một cô sinh viên bán bánh bao

Liên hiểu rằng, cuộc sống du học tại Nga xa nhà của các bạn sinh viên có nhiều thiếu thốn đặc biệt là thức ăn Việt cực kỳ khan hiếm đối với du học sinh ở đây. Vốn quen một chị gái Việt Kiều có sở thích nấu ăn và làm bánh nên Liên liền nảy ra ý định mình cũng làm các loại như bánh bao, bánh rán, bánh cuốn, đậu phụ… để cung cấp cho các anh, chị, em du học sinh trong khu ký túc xá.

Du học sinh Việt tại Nga

“Khi mới bắt đầu mình nghĩ chỉ làm để ăn thôi nhưng các bạn trong phòng và trong khu kí túc xá của mình cũng như các khu ký túc của các trường Đại học Nga khác thấy ngon nên khuyên mình đầu tư kinh doanh để cho các bạn du học sinh Việt Nam đỡ… thèm. Bản thân cũng thấy cũng khá thú vị nên mình quyết định làm thêm để bán cho các bạn và cũng để có thêm một khoản thu nhập”, Liên nói. Tuy nhiên, thời gian đầu do không có nhiều thời gian nên một tuần Liên chỉ bán một lần, do đó thu nhập cũng chỉ có vài trăm đô một tháng.

Trở thành “đại gia đồ khô Việt Nam” trong cộng đồng du học sinh

Sau một thời gian kinh doanh, thấy thu nhập không được khả quan, nhu cầu mua hàng khô của các bạn sinh viên Việt Nam lại khá cao nên Liên một lần nữa quyết định buôn bán thêm các loại mặt hàng này. Liên bày tỏ: “Những đồ bình dân như nước mắm, bánh đa nem, bún khô, phở khô, mì tôm… ở Liên bang Nga rất hiếm, muốn mua phải đi khá xa, đến tận Thủ đô Matxcova, mà đi gần nghìn cây số để mua mấy gói mì thì không ai dám. Nên mình nhập hàng hóa về để các bạn mua cho tiện, một phần cũng để phục vụ nhu cầu của bản thân. Hiện tại thì “cửa hàng” mình có gần 40 mặt hàng các loại”. Sống trong kí túc xá, căn phòng mà Liên ở cũng chính là “cửa hàng” của cô gái “đại gia hàng khô” này. Hàng hóa được xếp gọn gàng trong góc nhà, trong tủ, dưới gầm bàn, thậm chí để mọi nơi “miễn là tiết kiệm không gian nhất có thể và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các bạn khác”.

Góc tập kết đồ khô tại ký túc xá Nga
Góc tập kết đồ khô tại ký túc xá Nga

Thuận – sinh viên năm 2 chia sẻ: “Thỉnh thoảng mình cũng ghé qua phòng chị Liên mua mấy gói mì về ăn. Đồ ăn ở Nga không giống như ở Việt Nam nên những lúc được ăn gói mì Việt Nam thấy thực sự rất tuyệt vời. Cũng bớt đi phần nào nhớ đồ ăn Việt”.

Để tiện cho mọi người đến mua, Liên dán luôn bảng giá lên cửa phòng. Cô kể: “Hàng hóa khi mình lấy từ thủ đô Matxcova khá đắt nên khi đưa về bán giá cao. Nếu tính bằng tiền Việt, một gói mì tôm Hảo Hảo cũng phải 14 nghìn đồng. Nên anh chị em thi thoảng mua để đổi bữa chứ chủ yếu vẫn mua hàng hóa tại thành phố mình sống”. Bán hàng vừa kiếm thêm thu nhập, vừa phục vụ nhu cầu cá nhân và giúp đỡ các bạn có muốn ăn đồ quê hương nên một tháng, Liên cũng kiếm được một chút tiền nhỏ phụ giúp gia đình.“Tiền vận chuyển, tiền hàng hóa rồi khi đồ hết hạn sử dụng phải bỏ đi nên mình mua về buôn chỉ một phần thôi, lãi chẳng được bao nhiêu mà”. Liên chia sẻ: “Mình chỉ bán cho vui và tạo cơ hội cho các bạn du học sinh đổi bữa chứ cũng không muốn làm giàu gì. Học xa nhà ai cũng có nhiều khó khăn riêng, có nhiều cái nhớ nhà riêng. Thấy mọi người đến mua là mình vui lắm rồi”.

Thuận cũng bày tỏ: “Mình thực sự rất ngưỡng mộ chị Liên. Sinh viên du học Nga xa nhà, xa quê hương cần lắm những người như chị để bọn mình có thể tìm đến mỗi lúc thèm “phát điên” gói mì Hảo Hảo hay chỉ đơn giản là một gói bún khô, một cái bánh rán”.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.