Hòa nhập với đời sống bản địa khi vừa mới đặt chân đến quốc gia du học không phải là điều dễ dàng. Quan trọng là bạn có muốn mở lòng (và chịu… mở hầu bao) của mình hay không.
Sắm tivi để cập nhật tin tức
Lê Trung Hiếu (sinh viên Thạc sĩ kĩ sư tàu thủy) có lần chia sẻ trên Facebook rằng anh bạn đã vô cùng hào hứng khi tậu được một chiếc tivi trong nhà bếp. Theo Hiếu, việc có một chiếc tivi ở nước ngoài hoàn toàn khác với theo dõi tin tức trên màn hình máy tính “cảm giác khi đó vô cùng đặc biệt, giống như bạn đang được ở tại nhà nhưng lại được lắng nghe một ngôn ngữ hoàn toàn khác với ngôn ngữ mẹ đẻ”. Quan trọng là “lúc đó bạn sẽ cảm giác như mình đang hòa nhập với một Đất nước mới”. Thật vậy, nếu không cập nhật thông tin về những điều đang diễn ra xung quanh, bạn sẽ càng khó bắt nhịp với những cuộc chuyện trò ngoài giờ lên lớp. Chưa kể đối với các ngành học về Truyền thông, Xã hội, bạn sẽ cần phải có một đầu óc đủ “tò mò” để tìm hiểu các sự kiện diễn ra trong và ngoài Đất nước đó.
Tậu xe đạp để dễ dàng “hò hẹn”
Xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến nhất ở Hà Lan và các nước Bắc Âu. Việc sắm một chiếc xe đạp là điều Hotcourses khuyên làm đầu tiên với các du học sinh mới sang. Điều này vừa giúp bạn tiết kiệm được khoản tiền di chuyển đắt đỏ của các phương tiện giao thông công cộng, vừa chủ động được thời gian (có thể đi chơi đến khuya mà không phải sợ bỏ lỡ chuyến tramway hay xe bus cuối – thường được kết thúc vào sau 0h) cũng như tham gia cùng với bạn bè trong những chuyến dã ngoại cuối tuần ở ngoại ô. Để khỏi bị “hớ”, bạn có thể nhờ một người bạn địa phương đi cùng và tìm đến các khu chợ trời để mua xe cũ. Trao đổi trên Facebook của hội sinh viên hay dán thông tin tìm xe ở các khu kí túc xá cũng có thể giúp bạn mua được một chiếc xe giá rẻ.
Đặt báo dài hạn
Ở nước ngoài có rất nhiều đầu sách báo, tạp chí rất hay và phù hợp với từng chuyên ngành riêng (Kiến trúc, Mỹ thuật, Sức khỏe, Kinh tế…) Nếu có điều kiện, bạn nên dành một khoản riêng để đặt báo dài hạn, đảm bảo thói quen thường xuyên cập nhật thông tin Xã hội. Trên báo thường có những mục như rao vặt, mua bán, việc làm thêm và nhất là thông tin giải trí của thành phố. Bạn có thể dựa theo các chương trình trong báo để tham gia sự kiện văn hóa của địa phương: hòa nhạc, bảo tàng, chợ trời… Nếu không thể đặt báo, bạn có thể tìm đến các đầu báo được phát miễn phí ở các ga tàu hay khu trung tâm thành phố. Website của các báo và các chuyên trang của trường Đại học cũng là những kênh truyền thông hấp dẫn.
Mua một nồi cơm điện
Đừng nghĩ đi du học là bạn đã bước vào quãng đời nói không với nồi cơm điện. Ngay cả người nước ngoài cũng rất thích sử dụng công cụ tiện lợi này. Nếu ngại mang vác nặng từ Việt Nam, bạn có thể đợi sang tận nơi để tìm mua ở các cửa hàng chuyên về điện, các gian hàng đồ điện ở siêu thị hay tại các siêu thị ẩm thực châu Á. Tuy nồi cơm điện ở đây thường đắt hơn so với ở nhà nhưng bạn sẽ mua được những nồi cơm chất lượng châu Âu. Với nồi cơm điện, bạn có thể chuẩn bị sẵn thức ăn (cụ thể là nấu cơm và luộc thức ăn) vào đêm trước rồi mang hộp cơm đến trường để ăn chung với bạn bè vào hôm sau. Việc làm này vừa giúp bạn tiết kiệm được kha khá mà vẫn đảm bảo ăn uống đủ chất. Vậy mới nói, không phải bo bo đóng kín ví tiền hay tiêu xài “bạt mạng” để mời bạn bè những chầu café đắt đỏ đã là khôn và mang lại cho bạn cơ hội hòa nhập với đời sống. Quan trọng là phải biết chi tiền đúng chỗ, đặc biệt là những khoản chi đó phải thực sự có lợi cho bạn.