Rất nhiều du học sinh lên đường với khoản tiền chỉ đủ để cầm cự trong vòng một, hai năm đầu. Những năm còn lại, họ buộc phải kiếm việc làm thêm để tồn tại. Áp lực tài chính này đôi khi là nguyên nhân dẫn đến kết cục buồn cho những chuyến du học không tới nơi tới chốn.
Không có thời gian học bài
Tất nhiên là khi đi làm thêm, bạn sẽ phải đối diện với vấn đề về thời gian biểu và cực nhất là không thể chủ động việc sắp xếp thời gian làm việc. Thông thường, nếu làm việc theo ca (làm ở cửa hàng thức ăn nhanh, thư viện, nhà hàng…) hoặc theo yêu cầu của người tuyển dụng (baby-sitting), bạn đôi phải chịu “hi sinh” một số thứ điều bỏ tiết, ra về sớm hay thậm chí là gây ảnh hưởng đến các cuộc họp làm việc nhóm. Những công việc làm thêm nằm quá xa nhà cũng sẽ ngốn của bạn rất nhiều thời gian di chuyển. Vấn đề lớn nhất là bạn sẽ có ít thời gian tự học. Thế nên, hãy cố gắng theo sát bài giảng trên lớp cùng hệ thống bài giảng trực tuyến, nếu được, bạn nên mang theo sách vở bên mình để tận dụng mọi khoảng thời gian di chuyển và rảnh rỗi lúc làm việc để ôn bài. Hỏi mượn sách vở bạn bè để theo kịp nội dung bài giảng cũng là một điều vô cùng cần thiết.
Không đảm bảo sức khỏe
Chỉ riêng việc học ở trường và tự học ở nhà đã lấy của bạn rất nhiều năng lượng nên đương nhiên là việc làm thêm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, đặc biệt là đối với những việc nặng nhọc. Việc phải chạy đi chạy lại mấy tiếng phục vụ ở nhà hàng hay bưng bê hàng đống chén dĩa chắc chắn sẽ khiến chân tay bạn mỏi rục và chỉ muốn lao vào giấc ngủ sau khi xong việc. Vậy, liệu bạn có đủ sức lực để “chiến đấu” với những bài vở ở trường sau mỗi giờ làm như vậy? Những việc cần phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” như phụ sơn nhà, bưng bê, cắt cỏ, hái nho… càng khiến tình hình thêm tồi tệ hơn. Phương cách đơn giản nhất là ăn uống đủ chất, chịu khó quan tâm đến vấn đề sức khỏe nhiều hơn và thường xuyên luyện tập thể dục để có sức khỏe dẻo dai. Việc chọn cho mình một công việc nghe có vẻ nhàn rỗi nhưng ít phải lao lực như lễ tân khách sạn, trực điện thoại cũng là một biện pháp hay cho các bạn nữ.
Không có động lực học tập
Kinh nghiệm là những du học sinh gặp vấn đề về tài chính thường ít có chí tiến thủ. Mục tiêu của họ đôi khi chỉ là hoàn thành được việc học, thay vì hoàn thành với kết quả tốt nhất như những người khác. Sự eo hẹp về thời gian và hạn chế về sức khỏe khiến bạn chỉ muốn học qua điểm trung bình và có được một tấm bằng nào đó. Đôi khi giờ giấc làm thêm sẽ ảnh hưởng đến những cuộc hẹn thảo luận nhóm hay làm hạn hẹp khoảng thời gian chuẩn bị cho một bài luận nào đó, khiến kết quả không được như ý. Khi có quá nhiều cản trở, liệu họ có muốn đặt ra những cái đích xa hơn, như một tấm bằng Thạc sĩ hay thậm chí là Tiến sĩ?
Không tận hưởng được đời sống bản địa
Tất nhiên là với lịch học và làm căng thẳng như vậy, bạn sẽ ít có thời gian và thích thú trong việc tận hưởng cuộc sống với những người bạn khác. Thử hỏi làm thế nào bạn có thể tham gia các chương trình tụ tập tối thứ 5 của hội sinh viên, nếu ca làm việc của bạn bao giờ cũng rơi vào buổi tối. Hay, làm sao bạn có thể xin chủ quán bar nơi bạn làm bartender cho nghỉ sáng chủ nhật để tham gia chạy bộ gây quỹ, trong khi đó là thời điểm quán luôn luôn đông khách? Thế nên, cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề này là tận dụng triệt để mọi khoản thời gian rảnh để thư giãn sau giờ học và làm. Chỉ đơn giản là một chuyến đạp xe quanh công viên hay tụ tập bạn bè ăn uống tại nhà khi không có ca làm thêm cũng sẽ giúp bạn thư thái hơn rất nhiều rồi.
Làm thế nào để không “sập bẫy”?
Đối với trở ngại vừa học vừa làm, trước hết bạn phải xác định một tinh thần thép cho mình. Hãy nghĩ đơn giản là tất cả những sinh viên trên thế giới này đều làm thêm giống hệt bạn vậy, kể cả con cái những nhà giàu nứt đố đổ vách (chẳng hạn như cô con gái nhà Zara). Hơn nữa, quãng thời gian này chỉ kéo dài trong một vài năm trước khi bước vào đời mà thôi. Điều bạn nên quan tâm lúc này chính là làm thế nào để đảm bảo được thời gian, sức khỏe và động lực để tự xoay sở được sinh hoạt phí bằng công việc làm thêm mà cuối cùng vẫn nhận được một tấm bằng ưu tú! Tùy vào tình hình tài chính mà bạn nên chọn cho mình công việc với khối lượng phù hợp. Cách tốt nhất là chỉ nên chọn những việc có thời gian khớp với thời gian rảnh và có kế hoạch di chuyển, học bù thích hợp. Một cách khá hay nữa là dồn hết công sức vào làm thêm trong những đợt nghỉ lễ (Nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, Kỳ nghỉ mùa Đông, Kỳ nghỉ Phục sinh hay dịp hè). Tuy nhiên, những công việc làm thêm ngắn ngày như vậy thường rất ít nên bạn cần có các chiến lược “săn lùng” thích hợp.