Ở nước ngoài, việc mua thuốc không đơn giản như ở nhà. Tuy các hiệu thuốc tây có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu trung tâm, nhưng bạn chỉ được mua thuốc khi đã được bác sĩ kê đơn. Còn đối với những loại thuốc trị các chứng bệnh nhẹ thì mang thuốc từ Việt Nam sang sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá. Vì thế, du học sinh có kinh nghiệm thường tranh thủ mang theo một số loại bông băng, thuốc cảm cúm, thuốc đau bụng… cũng như các loại thuốc bổ, Vitamin cho tủ thuốc mini của mình ở nước ngoài.
Thuốc giảm đau và hạ sốt
Đây là hai loại thuốc cần nhất cho những chuyến đi xa như: Acemol, Efferalgan, Panadol… Tất nhiên bạn cần phải tìm đến các dược sĩ hay những người có kinh nghiệm để hỏi thăm về liều lượng, cách dùng cho mỗi triệu chứng khác nhau.
Thuốc rối loạn tiêu hóa
Thuốc rối loạn tiêu hóa hay các vấn đề tiêu chảy, nôn ói cũng rất cần thiết. Ở nước ngoài bạn sẽ không thể tìm thấy thuốc Berberin vô cùng hiệu nghiệm, vốn được điều chế từ cây vàng đắng của Y học cổ truyền. Rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, sau khi đã được dùng qua Berberin, đều mua thuốc này mang về nước. Ngoài ra, các loại men tiêu hóa sống cũng vô cùng hữu ích cho những chứng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột cấp tính và mãn tính.
Thuốc chống say xe
Nếu bạn hay bị say tàu xe thì nhớ mang theo những loại thuốc chống say như Nautamin (có thể dùng thêm Omeprazole, Phosphatge nếu đau bao tử).
Thuốc dị ứng
Trong trường hợp dễ bị dị ứng, bạn có thể tìm đến các loại thuốc dị ứng như Histalong, Cetirizine.
Thuốc cho bạn gái
Đối với bạn gái, việc mang theo các loại thuốc giảm đau kinh nguyệt, thuốc tránh thai hay thậm chí là que thử thai tại nhà là hoàn toàn cần thiết. Dù bạn không có nhu cầu sử dụng chúng ở thì hiện tại, nhưng biết đâu đó bạn bè hay chính bạn sẽ cần đến chúng trong tương lai.
Các loại thuốc khác
Ngoài ra, như đã nói ở trên, bạn cũng cần chuẩn bị bông băng, dung dịch tẩy trùng, các miếng dán hạ sốt… để phòng trường hợp cần kíp. Những bạn vốn đang trong giai đoạn điều trị một căn bệnh nào đó tất nhiên cũng cần mang theo các loại thuốc được bác sĩ kê đơn.
Học bổng Nga cũng có lời khuyên mang theo một cặp kính “sơ-cua” (đúng với độ cận hiện tại) dành cho những bạn bị cận thị. Rất có thể trong tương lai bạn sẽ gặp phải những sự cố như mất, gãy kính… nên một chiếc kính phòng hờ sẽ giúp bạn đỡ phải bất tiện trong thời gian làm cặp kính mới, hoặc thậm chí là nếu không có sự thay đổi quá nhiều về độ cận, bạn sẽ có kính dùng mà đỡ phải tốn một khoảng tiền khổng lồ. Có một điều chắc chắn là làm kính ở nước ngoài vô cùng đắt đỏ so với làm kính ở Việt Nam. Người viết bài đã phải chi đến 300 euros (gần 10 triệu đồng) cho một cặp kính cận ở Pháp!
Những lưu ý khi dùng thuốc
- Chỉ nên uống thuốc khi đã biết được liều lượng cho phép chính xác
- Đọc kỹ thời hạn và hướng dẫn trước khi sử dụng
- Tìm lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ, các trang web uy tín trước khi uống thuốc
- Ngừng sử dụng thuốc khi có biến chứng
- Mua bảo hiểm y tế loại cao nhất
- Tìm đến văn phòng y tế của trường đại học để xin lời khuyên chăm sóc sức khỏe
Và cuối cùng là: Đừng tiếc tiền mà hãy đi gặp bác sĩ khi gặp những tai nạn hoặc triệu chứng nghiêm trọng!