Đâu là những vấn đề mà mọi Du học sinh phải đối mặt khi học tập tại một đất nước xa lạ, và làm thế nào họ đã vượt qua những khó khăn đó?
Hoang mang đêm đầu tiên xa nhà
Việc vừa mới chân ướt chân ráo tới một nơi mới mẻ với ngổn ngang hành lý, ngay giữa một không gian xa lạ, sẽ khiến bạn lo phát khóc! Khi đó, có thể bạn sẽ tự đặt ra cho mình cả tá câu hỏi đại loại như “Tại sao mình không học Đại học ở nhà?”, “Liệu việc du học có phải là lựa chọn chính xác không?”, hay tệ hơn là “Hay là mình bỏ tất cả để quay về nhỉ?”. Hãy ra ngoài và gặp gỡ những người bạn mới! Nói chuyện với những người đồng tình cảnh sẽ khiến bạn cảm thấy an ủi phần nào vì cảm giác được chia sẻ.
Trục trặc kỹ thuật
Những tiện ích như FaceTime, Skype, Facebook sẽ giúp bạn dễ dàng kết nối với mọi người ở nhà, nhưng không phải lúc nào bạn cũng dùng chúng được. Chẳng hạn như khi các thiết bị đó bị hết pin hoặc bạn quên mang bộ đổi nguồn. Sự tiện nghi của công nghệ là điều ai cũng phải công nhận, nhưng mọi thứ chỉ “chạy” tốt khi được chuẩn bị đàng hoàng. Hãy mang theo một bộ đổi nguồn, tìm thông tin về các kiểu đầu cắm ở đất nước bản địa trước khi lên đường.
Rào cản ngôn ngữ
Việc sở hữu bằng tiếng Nga loại ưu không có nghĩa là bạn có thể trôi chảy giao tiếp trong bất kì hoàn cảnh nào (nhất là những khi cần phải dùng đến các kiến thức chuyên ngành). Thế nên, đừng quá lo lắng nếu bạn rơi vào cảm giác không một ai hiểu mình vào một ngày nào đó. Hãy coi việc sai sót khi dùng ngoại ngữ là hết sức bình thường. Hãy yên tâm là mọi người sẽ giúp bạn sửa sai chứ không cười cợt hay coi thường bạn đâu. Thế nên, chẳng có gì phải lo ngại.
Lạc lõng giữa siêu thị
Có hàng tá những lựa chọn đồ ăn và thức uống tại các siêu thị và bạn có thể sẽ gặp khó khăn với việc phải làm quen với từng loại một. Tại sao không thử nghĩ đây là cơ hội quá tốt để khám phá những nhãn mác mới? Đâu là phương án tạm thời? Gọi là tạm thời bởi vì bạn rồi cũng sẽ thích nghi được thói quen ăn uống của người dân bản địa, căn bản vẫn chỉ là thời gian đầu. Hãy thử liên hệ hãng hàng không để biết bạn có thể mang theo những sản phẩm nào. Nếu bạn sống ở thành phố lớn, nơi có một cộng đồng người Á hay người Việt đông đảo thì chắc chắn sẽ tìm thấy được siêu thị châu Á, nơi có thể tìm thấy những mặt hàng như mì gói, đồ khô, nước mắm… dễ dàng.
Bỗng dưng nhớ nhà
Cảm giác đơn độc khi không được ở cạnh những người thân cận có thể đến những khi bạn cùng nhà của bạn đã về quê vào cuối tuần (nhất là những bạn bè bản xứ), hoặc là khi bạn bè xung quanh đã có những kế hoạch riêng. Chuyện trò với bạn bè quốc tế sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ hơn, ít nhất là họ sẽ hiểu được cảm giác mà chính mình cũng từng trải qua. Việc nói chuyện với những bạn bè ở nhà cũng sẽ giúp bạn nhận ra mình may mắn thế nào khi được sinh sống và học tập tại quốc gia xinh đẹp hiện tại.
Tiền, tiền, tiền
Có lẽ bạn sẽ phải cần một vài tuần để làm quen với tỷ giá của điểm đến du học. Nếu cư quy đổi ra tiền Việt, có lẽ bạn sẽ phải chịu cảnh tiếc lên tiếc xuống vì đôi khi phải trả đắt đến ba lần cho một món đồ. Chưa kể việc khiến người thu ngân bản địa phải mất kiên nhẫn chờ đợi trong lúc bạn loay hoay với những tờ tiền mới mẻ có lẽ cũng là một trải nghiệm chẳng mấy thú vị. Việc lên kế hoạch tài chính từ trước là vô cùng quan trọng. Điều kiện tài chính sẽ ảnh hưởng một phần lên lựa chọn điểm đến du học của bạn, và cũng chính là tiêu chí đánh giá quan trọng của sứ quán khi cấp visa du học. Hãy đọc những bài viết về tài chính của Học bổng Nga và có sự chuẩn bị về việc mở tài khoản ngân hàng khi đi du học.
Thiếu thốn những thứ đồ dùng cần thiết
Có thể bạn đã “vượt biên” với một vali to ụ, nặng nề, nhưng rồi nó cũng chẳng thể mang cả cuộc sống quen thuộc theo cùng. Tuy nhiên, nếu không mang nhiều đồ đạc, bạn lại sẽ phải tốn rất nhiều tiền để mua sắm lại từ đầu. Hãy liên hệ trước với ban ký túc xá của trường để tìm hiểu xem những vật dụng nào sẽ được trang bị sẵn. Điều này sẽ giúp bạn biết mình cần hoặc không cần mang theo những gì. Việc tìm hiểu thời tiết điểm đến cũng vô cùng quan trọng để chuẩn bị áo quần sao cho phù hợp.
Phải nói lời từ biệt
Đến một lúc nào đó, khi đã vượt qua được những trở ngại kể trên và hoàn tất chương trình học, bạn lại sẽ phải đối diện với một thử thách mới: nói lời từ biệt với cuộc sống du học, bạn bè thân quen và thành phố nơi bạn đã gắn bó. Bỏ lại tất cả ở sau lưng sẽ là thử thách cuối (có vẻ như cũng là thử thách khó khăn nhất). Nếu có cơ hội, bạn hoàn toàn có thể tìm cách ở lại để kiếm việc làm. Mỗi quốc gia sẽ có những yêu cầu dành cho mỗi quốc tịch khác nhau. Hoặc không, bạn cũng có thể tìm cơ hội học lên các chương trình cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc Sau Tiến sĩ). Và dù bạn có đưa ra quyết định nào đi nữa thì cũng hãy cố gắng giữ liên hệ với mọi người ở lại.