Bồi đắp tình yêu nước Nga cho thanh thiếu niên Việt Nam

B

Nhiều hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga cũng cho rằng cần tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế, tìm kiếm cơ hội học tập, kinh doanh… giữa hai nước để hấp dẫn giới trẻ, thu hút giới trẻ tham gia Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga.

Xây dựng không gian văn hóa Nga tại Quảng Ninh

Ông Phạm Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh Quảng Ninh chia sẻ:

Tôi học ngành kinh tế ở Liên Xô những năm 1982-1988. Liên Xô cũng là nơi tình yêu vợ chồng tôi bắt đầu. 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hương vị món súp củ cải đỏ có phủ váng sữa trên bề mặt; món thịt nướng Shashlik được tẩm ướp gia vị thảo mộc xiên trên những thanh sắt dài, xen kẽ với ớt chuông, hành tây, nấm… và nướng trên than hồng.

Con tôi thích nghe tôi kể chuyện nước Nga nhưng cháu không học tiếng Nga mà lựa chọn tiếng Anh, tiếng Trung. Vì vậy, tôi mong muốn xây dựng một không gian văn hóa Nga ở Quảng Ninh để những người trẻ như con tôi thêm hiểu và yêu tiếng Nga, văn hóa Nga…Ý tưởng này đã được chúng tôi trao đổi với Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liêng bang Nga, Đại học Hạ Long và được lãnh đạo Trung ương Hội, nhà trường ủng hộ.

Hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và dự kiến năm 2024 không gian văn hóa Nga tại Đại học Hạ Long sẽ hình thành. Đó sẽ là không gian học tập, giao lưu văn hóa cho học sinh, sinh viên và người dân Quảng Ninh. Mọi người có thể tiếp cận thông tin, tài liệu về văn hóa Nga; học tiếng Nga; xem biểu diễn những bài hát về nước Nga; tham quan các sản phẩm của Nga như bánh kẹo, búp bê… ở đây. Đặc biệt, chúng tôi sẽ mời các giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học Nga sang giao lưu, trao đổi; giới thiệu cơ hội việc làm cho các bạn học tiếng Nga…”

Hội phải vui và tạo ra giá trị

Ông Ngô Văn Hải (Chi hội Báo chí – Tuyên truyền, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga) chia sẻ:

Các thế hệ hội viên của chúng ta tuổi tác ngày càng cao, tuy vẫn rất tâm huyết nhưng vấn đề sức khỏe và khả năng cơ động, linh hoạt trong công việc là một trở ngại không nhỏ. Do đó, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ kế cận, bồi dưỡng thế hệ trẻ tiếp bước cha anh đi trước, để duy trì và phát huy truyền thống của Hội hữu nghị Việt – Nga.

Chúng tôi nhận thấy sức hút đối với giới trẻ phải đến từ sự hấp dẫn của hoạt động Hội. Nước Nga luôn gây ấn tượng với giới trẻ Việt qua vẻ đẹp say đắm của thiên nhiên, qua nền văn hoá vĩ đại với những nhà văn hoá lừng danh thế giới, từ âm nhạc, văn thơ, hội họa… Ngoài ra, nền giáo dục đại học ở Nga vẫn hấp dẫn giới trẻ vì đây là một trong những nơi đào tạo về hàn lâm, khoa học kỹ thuật tốt nhất thế giới. Đây là lợi thế rất lớn cần khai thác tối đa. Các cấp Hội cần quan tâm, tạo điều kiện để các bạn trẻ đề xuất, triển khai những hoạt động, dự án cụ thể liên quan đến sự quan tâm của họ như đã trình bày ở trên.

Các cấp hội cũng cần phải là cầu nối thiết thực, hiệu quả cho những hoạt động giao lưu, trao đổi giữa giới trẻ hai nước. Hoạt động giao lưu kinh tế, văn hoá, tìm kiếm cơ hội học tập, kinh doanh… cần được tận dụng tối đa. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ vui, tình cảm, sự xúc động, tri ân, nhớ về quá khứ thôi chưa đủ mà phải thiết thực, hiệu quả cho công việc, cuộc sống của hội viên và quan trọng hơn là tạo ra giá trị.

Tạo điều kiện cho sinh viên du học Nga

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội những người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đào tạo của Liên Xô/Liên bang Nga (Vinacorvuz), Phó Chủ tịch Hiệp hội quốc tế những người đã tốt nghiệp các trường đào tạo của Liên Xô (Incorvuz) chia sẻ:

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Vinacorvuz là rất khó huy động các thế hệ trẻ đăng ký đi du học tại Nga. Vì vậy trong phương hướng hoạt động tới, Vinacorvuz kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan tại Liên bang Nga tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên du học ở Nga ngày một nhiều hơn.

Cụ thể: Cần tăng cường cung cấp những thông tin mới nhất về các trường đại học của Liên bang Nga đặc biệt thông qua Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Khi tham gia học tập tại Nga, các trường tạo điều kiện làm việc cho các sinh viên vào những ngày nghỉ để cải thiện mức sống.

Tạo điều kiện miễn thị thực hoặc ưu tiên làm thị thực nhanh cho các đối tượng là các học viên là người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học tại Liên Xô/Liên bang Nga khi muốn thăm lại trường cũ của mình vì đây chính là các phụ huynh sẽ giúp các ứng viên trẻ tuổi đăng ký học tại các trường đại học của Nga nhiều hơn trong thời gian tới.

Mở rộng hợp tác trực tiếp giữa các đối tác trong các lĩnh vực Khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa và du lịch thông qua các học viên đã tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô/Liên bang Nga. Chúng tôi ủng hộ sáng kiến thành lập “Trung tâm xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga” trực thuộc Trung ương Hội.

Thời gian tới, Vinacorvuz sẽ củng cố tổ chức, bổ sung thêm các lãnh đạo trẻ từ các trường đại học của Việt Nam, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế. Trước mắt, sẽ tham gia Diễn đàn các học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô/Liên bang Nga vào ngày 3-4/10/2023 do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Rossotrudnicchestvo và Viện Giáo dục nhân văn và Khảo thí chủ trì.

Giao lưu văn hóa, giáo dục bồi đắp tình yêu nước Nga

Bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin chia sẻ:

Con đường ngắn nhất để người dân thích và học tiếng Nga là qua văn hóa. Những năm gần đây, Phân viện Puskin đã tổ chức nhiều hoạt động dành cho giới trẻ như: tổ chức cuộc thi vẽ tranh quốc tế thường niên dành cho trẻ em “Em vẽ Việt nam. Em vẽ nước Nga”. Đến nay cuộc thi đã bước sang năm thứ bảy. Đặc biệt, cuộc thi năm nay đã thu được gần 14.000 tác phẩm dự thi của học sinh, thiếu nhi từ 33 tỉnh thành.

Cùng với Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Phân viện Puskin hỗ trợ các cơ sở giáo dục của Việt nam và Nga ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, kết nghĩa và tạo dựng quan hệ giữa các thành phố của hai nước.

Phân viện Puskin hợp tác với các trường đại học Nga, tổ chức các chuyến giao lưu văn hóa và học ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên đại học và phổ thông tới Nga. Hàng năm, học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội tham gia các khóa học tiếng Nga mùa hè ở Nga, giúp nâng cao kiến thức về tiếng Nga, có cơ hội giao lưu văn hóa, làm quen với hệ thống giáo dục Nga mà còn là dịp để các bạn trẻ Việt nam quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, phong tục của mình với bạn bè quốc tế.

Lễ hội văn hóa “Đa sắc màu Việt – Nga” dành cho học sinh, sinh viên Việt – Nga thu hút số lượng thanh thiếu niên tham gia ngày càng tăng. Từ năm 2013, lễ hội bắt đầu được tổ chức với 150 người tham dự. Đến Festival năm 2022 đã thu hút 1.200 học sinh, sinh viên Việt Nam và Nga đến từ 18 cơ sở giáo dục từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại lễ hội, chúng tôi tổ chức cho các bạn tham gia làm búp bê Nga bằng vải, ai cũng thích thú vì mỗi người đều có búp bê – tượng trưng cho sự may mắn mang về.

Các em nhỏ mẫu giáo, lớp 1 cũng đến tham gia các hoạt động tìm hiểu văn hóa Nga do Phân viện Puskin tổ chức như Lễ hội Tiễn mùa đông; lễ Phục sinh… Các em được trải nghiệm trang trí trứng Phục sinh, nấu ăn, làm đồ chơi, giao lưu với nhau nên rất hào hứng.

Trong tháng 9 này, Phân viện Puskin đã thảo luận với Trưởng văn phòng đại diện Rossotrudnichestvo tại Việt Nam Vladimir Murashkin về việc mở lớp học tiếng Nga tại các trường tiểu học ở Việt Nam trong khuôn khổ cải cách giảng dạy ngoại ngữ trên toàn quốc. Theo Bộ Giáo dục Liên bang Nga, phiên bản tiếng Việt đầu tiên của tổ hợp sách giáo khoa tiếng Nga “Chuyến bay” dành cho trẻ em sẽ sớm được chuyển giao cho Việt Nam.

Tổ hợp sách giáo khoa này được viết riêng cho người Việt Nam với mong muốn người học có thể dùng tiếng Nga không phải chỉ để kể về Moscow, St. Petersburg mà còn để kể về những nét văn hóa Việt Nam, về danh lam thắng cảnh của Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

Your sidebar area is currently empty. Hurry up and add some widgets.