Moskva (Sputnik) – Trường Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU), với sự tham gia của văn phòng đại diện tại Việt Nam, sẽ bắt đầu các khóa học giảng dạy tiếng Nga vào năm 2022 cho các chuyên gia địa phương làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Nga-Việt Yevgeny Vlasov – Phó Hiệu trưởng trường FEFU, phụ trách về quan hệ quốc tế nói với Sputnik.
Trung tâm Nhiệt đới là đối tượng quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hợp tác quân sự – kỹ thuật. Trung tâm đặt tại Hà Nội, với các văn phòng khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang.
Theo ông, một số nhân viên Trung tâm đã nói được tiếng Nga, nhưng không phải tất cả đều ở trình độ đủ dùng, vì vậy họ cần được đào tạo nâng cao.
“Ngoài ra, các sĩ quan mới được tuyển sinh từ phía Việt Nam cũng cần phải học tiếng Nga từ đầu. FEFU có kinh nghiệm như vậy, trước đây chúng tôi đã giải quyết vấn đề này và bây giờ chúng tôi đang tiến tới khởi động các dự án giáo dục như vậy từ năm sau“, Phó tiến sỹ Khoa học Chính trị Yevgeny Vlasov lưu ý.
Các khóa học sẽ diễn ra như thế nào?
Vlasov giải thích các khóa học cấp tốc kéo dài 8-10 tháng sẽ diễn ra thực hiện với sự hỗ trợ của văn phòng đại diện FEFU tại Hà Nội, hoạt động trên cơ sở trung tâm nghiên cứu và giáo dục hàng đầu Việt Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, sinh viên Nga từ FEFU đang học tập tại Việt Nam tham gia các chương trình thực tập học thuật dài hạn tại Hà Nội hàng năm, nơi họ học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ngay tại chỗ. Cùng với những sinh viên này, trường có kế hoạch tham gia vào việc tăng cường liên hệ giáo dục và văn hóa. Trường cũng có kế hoạch cử chuyên gia về phương pháp giảng dậy từ Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga FEFU tại Vladivostok đến Hà Nội để hỗ trợ việc thực hiện chương trình đào tạo tiếng Nga.
Tiếng Nga rất quan trọng đối với công việc của trung tâm
Phó Hiệu trưởng lưu ý việc khởi động các khóa học như vậy là một yếu tố quan trọng ở cấp độ hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa hai nước.
“Đối với Việt Nam, tiếng Nga là ngôn ngữ tiếp cận công nghệ và khả năng phát triển những hướng đi mới trong khoa học, vì mọi phát triển đều do các nhà khoa học Nga thực hiện cùng với đồng nghiệp Việt. Đồng thời, việc quảng bá tiếng Nga ở Việt Nam hiện đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ tiếng Anh – điều này là hợp lý về mặt kinh tế. Do đó, việc khôi phục vị thế của tiếng Nga trong nước là một yếu tố quan trọng trong chiến lược và chính sách đối ngoại của Nga đối với sự phát triển quan hệ với nước này“, ông Vlasov lưu ý.
Theo ông, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trung tâm Nhiệt đới Hà Nội trước chuyến công du nước ngoài và hội kiến với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ông Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tiếng Nga, và ủng hộ cho việc quảng bá tiếng Nga tại Việt Nam.
FEFU có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tương tác với các tổ chức giáo dục, khoa học, chính phủ và thương mại tại Việt Nam. Trường hàng năm tuyển khoảng 20 sinh viên Nga chuyên ngành Việt Nam học, và được coi là một trong những trường dẫn đầu về số lượng sinh viên theo học ngành ngôn ngữ và tiếng Việt. FEFU hiện có 102 sinh viên đến từ Việt Nam theo học.